Powered By Blogger

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

Sự nguy hiểm của căn bệnh khiến nam danh hài Chí Tài đột ngột qua đời

 Sự nguy hiểm của căn bệnh khiến nam danh hài Chí Tài đột ngột qua đời

Thứ Tư, ngày 09/12/2020 16:45 PM (GMT+7)




Danh hài Chí Tài vừa qua đời sau cơn đột quỵ. Đáng nói, nhiều người Việt bị bệnh này nhưng không hề hay biết, khi tới bệnh viện thì đã qua giờ vàng cứu não.

Sự kiện: Đột quỵ

Chiều 9/12, quản lý cũ của Chí Tài xác nhận nam danh hài đã qua đời sau khi bị đột quỵ sau khi tập thể dục sáng cùng ngày, hưởng dương 62 tuổi.

Thông tin khiến nhiều nghệ sĩ, người hâm mộ nam danh hài bàng hoàng.

Sự nguy hiểm của căn bệnh khiến nam danh hài Chí Tài đột ngột qua đời - 1

Nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời sau cơn đột quỵ sáng 9/12.

Thực tế, đột quỵ là căn bệnh cướp đi sinh mạng nhiều người Việt. Những ai may mắn thoát khỏi tử thần cũng để lại nhiều di chứng, mất nhiều thời gian phục hồi chức năng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Đáng nói, căn bệnh ngày càng trẻ hoá, nhiều người không biết cách nhận diện triệu chứng cảnh báo.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ thuộc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: Tại Trung tâm, khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ là người trẻ tuổi. Đáng buồn là phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ ở người trẻ tuổi. PGS.TS Mai Duy Tôn cho hay bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… đều là các yếu tố ảnh hưởng.

Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau:

- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người);

- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói;

- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội;

- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".

Một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não là cơn thiếu máu não thoáng qua. Thực tế, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều lần có dấu hiệu này.

Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả năng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phí… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.

Nguồn: https://giadinh.net.vn/song-khoe/su-nguy-hiem-cua-can-benh-khien-nam-danh-hai-chi-tai-dot-ngot-q...

                                                                                Theo Võ Thu (Gia đình & Xã hội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.