BỆNH TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?
Là một trong những rối loạn về phát triển thần kinh thường gặp nhất ở trẻ em, rối loạn tăng động giảm chú ý khiến trẻ khó duy trì sự tập trung hoặc kiểm soát các hành vi tăng động. Việc chữa bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ nếu không kịp thời sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, kết quả học tập, các mối quan hệ của trẻ…
Bệnh tăng động giảm chú ý có chữa được không?
Mặc dù tăng động giảm chú ý là bệnh không thể điều trị dứt điểm, những triệu chứng của tăng động giảm chú ý có thể được quản lý, kiểm soát tốt nhờ vào các biện pháp hỗ trợ giáo dục hợp lý, huấn luyện phụ huynh cách quản lý hành vi của trẻ và cho trẻ sử dụng thuốc nếu cần thiết.
Việc điều trị tăng động giảm chú ý cho trẻ cần bắt đầu càng sớm càng tốt
Khi trẻ đã được chẩn đoán bị tăng động giảm chú ý, chuyên gia về rối loạn phát triển ở trẻ em sẽ cân nhắc và lựa chọn phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý phù hợp với hoàn cảnh của từng cá nhân. Trong đó, 2 liệu pháp nền tảng là liệu pháp hành vi (bao gồm cả huấn luyện bố mẹ) và liệu pháp sử dụng thuốc.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), với trẻ dưới 6 tuổi có rối loạn tăng động giảm chú ý, liệu pháp hành vi là phương pháp điều trị được ưu tiên hơn, trước khi quyết định cho bé dùng thuốc. Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, AAP khuyến cáo nên điều trị kết hợp liệu pháp hành vi và liệu pháp dùng thuốc trong điều trị tăng động và giảm chú ý cho trẻ.
Một kế hoạch điều trị tăng động giảm chú ý tốt phải bao gồm theo dõi sát sao về hiệu quả của liệu pháp điều trị trong sự cải thiện về học tập và hành vi của trẻ ở nhà, ở trường, từ đó thay đổi phương hướng điều trị nếu cần thiết.
Liệu pháp về hành vi, bao gồm cả huấn luyện cho phụ huynh trong chữa bệnh tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, khả năng học tập hoặc khả năng ngồi yên của trẻ ở trường mà nó còn ảnh hưởng đến mối quan hệ của trẻ và bạn bè khác. Những hành vi của trẻ có thể gây nên sự khó chịu cho những người xung quanh. Liệu pháp hành vi là một lựa chọn giúp giảm những hệ quả này, và nên bắt đầu liệu pháp này càng sớm càng tốt.
Liệu pháp hành vi là một trong hai liệu pháp chính điều trị tăng động kém chú ý
Mục tiêu của liệu pháp hành vi là giúp cho trẻ học và củng cố những hành vi tốt đồng thời làm hạn chế những hành vi xấu không mong muốn. Liệu pháp hành vi trong điều trị tăng động giảm chú ý bao gồm: Huấn luyện phụ huynh trong quản lý hành vi, liệu pháp hành vi với trẻ và can thiệp hành vi trong lớp học. Những liệu pháp này nên sử dụng cùng lúc với nhau.
Với trẻ nhỏ hơn 6 tuổi:
Liệu pháp hành vi là bước đầu tiên và quan trọng trong điều trị tăng động giảm chú ý, trước khi sử dụng thuốc bởi vì những lý do sau đây:
+ Huấn luyện cho phụ huynh trong quản lý hành vi giúp phụ huynh có kỹ năng và chiến lược để hỗ trợ cho trẻ
+ Huấn luyện phụ huynh trong quản lý hành vi đã được chứng minh hiệu quả tương đương với việc dùng thuốc trị tăng động ở trẻ nhỏ
+ Trẻ nhỏ khi được dùng thuốc điều trị tăng động sẽ gặp nhiều tác dụng phụ hơn là trẻ lớn
Với trẻ đã đi học và trẻ vị thành niên:
Với trẻ 6 tuổi trở lên, AAP khuyến cáo nên điều trị tăng động giảm chú ý bằng cách kết hợp thuốc và liệu pháp hành vi. Nhiều loại liệu pháp hành vi đã được chứng minh có hiệu quả như là: Huấn luyện phụ huynh trong quản lý hành vi; Can thiệp hành vi trong lớp học; Rèn luyện kỹ năng tổ chức… Những kỹ năng này sẽ phát huy hiệu quả tối đa khi chúng được sử dụng cùng nhau.
>> Xem thêm: Cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý
Liệu pháp sử dụng thuốc trong chữa bệnh tăng động giảm chú ý
Sử dụng thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý giúp quản lý các triệu chứng trong cuộc sống hằng ngày của trẻ và giúp trẻ kiểm soát các hành vi tăng động có thể gây ra những khó khăn cho gia đình, bạn bè và ở trường.
Sử dụng thuốc là liệu pháp điều trị thứ hai trong điều trị tăng động giảm chú ý
Có nhiều loại thuốc đã được FDA công nhận trong việc điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ từ 6 tuổi trở lên như sau:
+ Thuốc thuộc nhóm kích thích: Là loại thuốc được nghiên cứu nhiều nhất và sử dụng rộng rãi nhất. Khoảng 70-80% trẻ được điều trị tăng động giảm chú ý với thuốc này cho thấy sự cải thiện triệu chứng.
+ Thuốc thuộc nhóm không kích thích: Đã được chấp thuận sử dụng điều trị tăng động kém chú ý từ năm 2003. Những loại thuốc này không có tác dụng nhanh chóng như thuốc thuộc nhóm kích thích nhưng hiệu quả của chúng có thể kéo dài đến 24 giờ.
Thuốc có thể tác động đến trẻ theo nhiều cách khác nhau và có thể có tác dụng phụ ví dụ như chán ăn hay khó ngủ. Trẻ có thể đáp ứng với loại thuốc này nhưng lại kém đáp ứng với loại thuốc khác.
Vậy, bệnh tăng động giảm chú ý có chữa được không? Với sự kết hợp của liệu pháp sử dụng thuốc và liệu pháp hành vi, các triệu chứng của tăng động và giảm chú ý ở trẻ sẽ được giảm ở mức tối thiểu nhất.
Một số mẹo cho các bậc phụ huynh trong quản lý hành vi và điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ
+ Hãy thiết lập quy trình cho trẻ: Bố mẹ nên thiết lập cho trẻ một thời khóa biểu cụ thể trong hoạt động hằng ngày, từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ.
+ Cố gắng nề nếp: Khuyến khích trẻ đặt những dụng cụ cần thiết hoặc đồ chơi hay quần áo vào đúng vị trí hằng ngày để trẻ tránh việc đánh mất chúng.
+ Cố gắng hạn chế sự xao lãng: Tắt bớt ti-vi, giới hạn tiếng ồn, giúp trẻ có một nơi học tập gọn gàng, sạch sẽ.
+ Giúp trẻ hạn chế lựa chọn: Để giúp trẻ tránh bị quá khích, ba mẹ nên cho trẻ ít lựa chọn lại. Ví dụ, thay vì cho trẻ lựa chọn một danh sách 12 món đồ để mua, bạn có thể chỉ cần cho trẻ lựa chọn “cái này hay cái kia”.
+ Giúp trẻ lên kế hoạch: Bố mẹ có thể chia nhỏ một nhiệm vụ phức tạp ra thành những nhiệm vụ đơn giản, ngắn gọn hơn. Với những nhiệm vụ/bài tập dài quá, có thể nghỉ giữa giờ nhiều lần.
+ Khen thưởng: Đặt mục tiêu và khen thưởng cho trẻ cũng như thiết lập kỷ luật một cách hợp lý.
+ Thiết lập một lối sống mạnh khỏe cho trẻ: Ăn uống đầy đủ, hoạt động thể dục thể thao thường xuyên để cải thiện sức khỏe, ngủ đủ giấc vào ban đêm… sẽ hỗ trợ giúp điều trị tăng động giảm chú ý và cải thiện hành vi cho trẻ tốt hơn.
Phụ huynh cần một số mẹo trong quản lý hành vi khi điều trị tăng động kém chú ý cho trẻ
Tóm lại, bệnh tăng động giảm chú ý có chữa được không? Câu trả lời là được, nhưng sẽ không dứt điểm hoàn toàn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của thuốc cũng như liệu pháp hành vi hợp lý, các triệu chứng của trẻ sẽ được quản lý một cách tốt nhất, từ đó lấy lại những chức năng hoạt động hằng ngày của trẻ. Ba mẹ nên kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên môn để được tư vấn điều trị phù hợp, hiệu quả.
Một số loại thuốc điều trị tăng động kém chú ý sẽ có tác dụng phụ gây chán ăn, chính vì thế các trẻ có tăng động kém giảm chú ý cũng cần một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, khoa học để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, từ đó làm nền tảng hỗ trợ cho việc chữa bệnh tăng động giảm chú ý hiệu quả hơn.
https://nutrihome.vn/benh-tang-dong-giam-chu-y-co-chua-duoc-khong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.