Những thách thức đặt ra cho kinh tế Nhật sau thảm họa sóng thần 2011
Một năm sau thảm họa sóng thần, Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều thách thức cùng một lúc : tái thiết kinh tế trong tình trạng gần như không còn có thể trông cậy vào năng lượng hạt nhân, bảo đảm lương thực trong lúc một phần đất canh tác bị nhiễm xạ và xuất khẩu giảm sụt. Phân tích của chuyên gia về kinh tế Nhật, Evelyne Dourille Feer thuộc trung tâm nghiên cứu CEPII.
Tháng 3/2011, ba thiên tai ập đến Nhật Bản cùng lúc, cuốn đi mạng sống của gần 20.000 người, nhận chìm hơn 3% GDP của nền kinh tế thứ ba trên thế giới. Tới nay vẫn còn hơn 300.000 nạn nhân sóng thần chưa có nhà ở.
2011 là một năm đen tối đối với kinh tế Nhật vì sau thảm họa động đất, sóng thần và Fukushima vào mùa xuân, sang mùa thu, công nghiệp Nhật Bản lại phải chịu tác động dây chuyền của đợt lũ lụt kéo dài chưa từng thấy tại Thái Lan. Đây là nơi nhiều tập đoàn công nghệ điện tử và xe hơi Nhật Bản lập cơ sở sản xuất. Các tin dữ dồn dập kéo đến vào lúc Nhật Bản vừa bắt đầu có dấu hiệu phục hồi kinh tế sau cơn bão tài chính toàn cầu 2008-2009.
150 tỷ euro thiệt hại vật chất
May mắn một điều là thiên tai không gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Nhật bằng thảm họa ngân hàng Mỹ Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008. Nhìn chung tỷ lệ tăng trưởng của Nhật năm 2011 rơi 0,7 % thay vì giảm tới 9 % như sau cơn bão tài chính Wall Street năm 2008.
Theo thống kê chính thức của chính phủ Nhật được công bố hồi tháng 6/2011, thiệt hại trực tiếp về vật chất do sóng thần gây nên ước tính lên tới 16.900 tỷ yên, tức147 tỷ euro, tương đương với khoảng 3,5% tổng sản phẩm nội địa. Để so sánh, thiệt hại sau trận động đất ở Kobe, năm 1995 là 9.600 tỷ yen.
Kinh tế Nhật ngay sau thiên tai đã lâm vào suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE đã giảm dự báo tăng trưởng của Nhật Bản xuống còn chưa đầy 1 %.
Đối với ngành nông và ngư nghiệp, thiệt hại ước tính lên tới hơn 22 tỷ euro. Sóng thần ngày 11/03/2011 hủy hoại hơn 23.000 hecta hoa màu ở khu vực miền đông bắc Nhật Bản, nhận chìm 25.000 thuyền đánh cá. Các hải cảng mở ra Thái Bình Dương từ Aomori ở phía bắc xuống đến Chiba ở phía nam đều bị hư hại.
Bên cạnh những thiệt hại thuần túy do động đất và sóng thần gây nên, nông phẩm và thủy sản của Nhật còn bị tác động dây chuyền từ tai nạn hạt nhân Fukushima. Ngay từ tháng 3 năm ngoái các nhà chức trách về an toàn thực phẩm đã báo động tìm thấy chất phóng xạ trong sữa và rau quả. Thực phẩm bị nhiễm xạ ảnh hưởng đến các dây chuyền phân phối trên toàn quốc. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu tới 60% lương thực thực phẩm, với thảm họa sóng thần tỷ lệ nói trên càng tăng cao. Chỉ riêng đối với Pháp, trong năm qua, xuất khẩu nông nghiệp của Pháp sang thị trường Nhật tăng 12%.
Thiệt hại đối với ngành công nghệ xe hơi và điện tử còn nghiêm trọng hơn. Khi biết rằng, đa số các hãng gia công, cung cấp phụ tùng xe hơi đều tập trung tại vùng Tohoku, đông bắc Nhật Bản, nơi tạo ra đến 8% tổng sản phẩm nội địa của Nhật. Dây chuyền cùng cấp phụ tùng bị gián đoạn tác động trực tiếp đến khâu sản xuất của các tập đoàn xe hơi Nhật và quốc tế, như Tokyota, Honda, Nissan, Mercedes, Volkswagen hay Peugeot.
Trả lời phỏng vấn của ban Việt ngữ, bà Evelyne Dourille Feer - chuyên gia về kinh tế Nhật Bản tại Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế Pháp CEPII - phân tích về những tác động dây chuyền của động đất, sóng thần và Fukushima đè nặng lên tăng trưởng kinh tế Nhật Bản :
Thiệt hại về vật chất, nếu chỉ tính về cơ sở hạ tầng, nhà máy bị hư hại, thì tương đương với hơn 3 % GDP của Nhật trong năm qua, tức là khoảng 158 tỷ euro. Đó là chưa kể thiệt hại do nhà máy điện hạt nhân Fukushima gây nên. Kế tiếp phải kể tới tác động dây chuyền vì động đất và sóng thần đối với kinh tế Nhật Bản, chủ yếu là ngành công nghiệp xe hơi và điện tử. Dây chuyền cung cấp phụ tùng bị gián đoạn nhưng tất cả đã được hoạt động trở lại ngay từ mùa hè năm ngoái. Phải nói là dây chuyền cung cấp đó đã hoạt động lại sớm hơn mong đợi.
Tuy nhiên khó có thể thẩm định một cách chính xác về tác động của thiên tai bởi vì sau tai họa động đất, sóng thần và Fukushima hồi tháng 3/2011, ngành xe hơi và điện tử Nhật Bản còn bị tác động dây chuyền do lũ lụt ở Thái Lan vào mùa thu năm ngoái. Đây là nơi các tập đoàn Nhật có nhiều cơ sở gia công. Cuối cùng còn phải kể đến bối cảnh kinh tế chung toàn cầu : xuất khẩu của Nhật sang Âu Mỹ và kể cả Trung Quốc bị chựng lại.
Chỉ biết rằng 2011 là lần đầu tiên từ 31 năm qua, cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm hụt. Chi tiết hơn thì kim ngạch xuất khẩu Nhật Bản trong toàn năm chỉ giảm 0,5 điểm. Nhưng nhập khẩu thì đã gia tăng đáng kể. Với thảm họa Fukushima Nhật Bản đã phải nhập thêm dầu hỏa, khí đốt, để thay thế năng lượng hạt nhân. Ngoài ra Nhật cũng đã phải nhập nhiều lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Tái Thiết trên cơ sở một mô hình kinh tế mới :
Chính quyền Tokyo đánh giá công cuộc tái thiết vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với các vùng bị nạn. Ngân sách năm nay của nhà nước dự trù 19.000 tỷ yen (177 tỷ euro) cho công cuộc tái thiết. Trên thực tế, mới chỉ khoảng 10% khoản tiền nói trên được giải ngân và các giới chức địa phương chờ đợi là khoản thứ nhì sẽ được tháo khoán trong sáu tháng đầu năm nay để xây dựng những thành phố « sạch » chủ yếu trông cậy vào năng lượng tái tạo. Theo thẩm định của ngân hàng Nomura, Nhật Bản phải kiến thiết 170.000 căn nhà ở ven biển những vùng bị tàn phá và chỉ riêng công trình đồ sộ đó sẽ đem lại 2% GDP trong năm nay và trong 5 năm sắp tới thì trung bình các công trình xây dựng sẽ đem lại 0,8% tổng sản phẩm nội địa.
Một năm sau thiên tai và tai nạn nhà máy điện nguyên tử Fukushima Nhật Bản tiếp tục tìm cho mình một mô hình phát triển mới với một số những điều kiện : một là phải xét lại toàn bộ chính sách năng lượng khi biết rằng hiện chỉ còn 2 trên tổng số 54 lò phản ứng còn hoạt động. Hai là chính phủ phải tìm được một làn sinh khí mới cho một quốc gia mà dân số đang bị lão hóa để kinh tế Nhật có thể tiếp tục tiên phong trong lúc sức cạnh tranh của thế giới ngày càng mạnh. Vào lúc trọng tâm kinh tế của thế giới đang dồn về châu Á, Nhật Bản bằng mọi giá phải cấp bách tìm ra cho mình một hướng đi mới.
Trong mắt chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Nhật, bà Evelyne Dourille Feer thuộc trung tâm CEPII, Nhật Bản sẽ thành công trong việc hướng tới một mô hình phát triển mới nhưng đó là công việc đòi hỏi nhiều thời gian :
Chìa khóa giúp Nhật Bản thoát khỏi tai họa là hướng tới một hệ thống sản xuất ít tốn kém hơn về năng lượng. Về phía người tiêu dùng, thì cũng tương tự. Hiện tại các trung tâm nhiệt điện đang tăng năng suất để thay thế phần nào cho các lò điện hạt nhân đang phải ngưng hoạt động. Đương nhiên là Nhật Bản sẽ chú trọng vào việc phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài ra nhiều tập đoàn sản xuất của Nhật cũng đang tìm cách di dời cơ sở sản xuất sang các quốc gia khác. Nhìn chung, bộ mặt kinh tế và công nghiệp của Nhật sẽ có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó các khoản tái thiết bắt đầu được giải ngân và sẽ được bơm vào cỗ xe kinh tế toàn quốc. Điều ấy sẽ góp phần kích thích kinh tế Nhật Bản - ít ra là trong quý 1 và 2 năm nay. Đây là một lợi thế không nhỏ vì theo ước tính, công cuộc tái thiết sẽ lên tới khoảng 215 tỷ euro. Trong đó có khoảng 150 tỷ được chi ra trong 5 năm tới. Ngành xây dựng sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại.
Trên thực tế Nhật Bản đang đứng trước nhiều thách thức : nhập khẩu Âu Mỹ và kể cả Trung Quốc chựng lại. Bản thân kinh tế Nhật thiếu năng lượng và đang chuyển hướng tới năng lượng tái tạo. Nhưng trước mắt Nhật đang trong tình trạng thiếu năng lượng.
Trong quá khứ Nhật Bản đã nhiều lần chứng minh rằng quốc gia này có một sự sáng tạo gần như vô giá. Mọi người còn nhớ rằng vào giữa thập niên 1970, khi khủng hoảng dầu hỏa bùng nổ, thì nước Nhật đã huy động cả một nguồn nhân lực và chất xám chưa từng thấy để nhanh chóng trở thành một trong những nền công nghệ ít lệ thuộc vào xăng dầu nhất trên thế giới. Hiện tại hóa đơn về xăng dầu và khí đốt đang là nguyên nhân số 1 gây thâm hụt cho cán cân thương mại.
Câu hỏi đặt ra là liệu Tokyo có khả năng lập lại thành tích đó hay không ? Khi biết rằng nợ công của Nhật Bản hiện cao gấp hai lần so với GDP và nhất là dân số Xứ Hoa Anh Đào ngày một già đi, khả năng tiết kiệm của người Nhật qua đó giảm sút dần. Về điểm này chuyên gia Evelyne Dourille Feer không hoàn toàn bi quan :
Hiện tượng dân số bị lão hóa lại càng gây thêm khó khăn. Dân cư tại các vùng bị nạn nặng nhất phần lớn là những người cao tuổi. Do vậy Nhật Bản khó có thể thuyết phục xây dựng tất cả lại từ đầu, chẳng hạn như đầu tư, mở doanh nghiệp để đem lại sự năng động nào đó cho các vùng bị nạn. Cái khó là phải thuyết phục các nhà đầu tư và doanh nhân ở những nơi khác về đó làm ăn. Vì thế chính phủ đề ra những biện pháp ưu đãi thuế khóa để cầm chân các nhà đầu tư.
Tuy nhiên với tai họa sóng thần năm ngoái người ta cũng nhận thấy rằng người Nhật có tinh thần liên đới rất cao. Nhiều thanh niên không ngần ngại dấn thân vào các chương trình thiện nguyện để giúp đỡ nạn nhân thiên tai. Điều đáng mừng là cả một lớp trẻ tự nhiên trở nên năng nổ hơn sau biến cố 11/3 năm ngoái và họ có cái nhìn hoàn toàn khác nhân sinh quan và họ tỏ ra rất có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội.
Đó chính là lý do vì sao Nhật Bản bắt buộc phải nhanh chóng tiến hành một số các biện pháp cải tổ, đặc biệt là hệ thống hưu bổng.
Với dân số ngày càng già đi và tình trạng thiếu năng lượng, cộng thêm với tỷ giá đồng yen không ngừng gia tăng so với đô la, gây trở ngại cho xuất khẩu, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng hướng tới giải pháp di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài.
Việt Nam là một trong những điểm đến được các tập đoàn Nhật Bản chú ý. Năm ngoái đã có hơn 200 doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam với tổng dự án đầu tư lên tới 1,4 tỷ euro. Cuối cùng, một trong những cột trụ giúp cho kinh tế Nhật đứng vững trong năm qua chính là sức mua của các hộ gia đình : bất chấp khó khăn chồng chất và toàn cảnh u ám, người Nhật vẫn tin tuởng vào tương lai. Chỉ số tin tưởng trong năm 2011 tăng 1,1 điểm so với 2010.
Minh Thư- Theo tạp chí kinh tế