Kinh tế Nhật bị ảnh hưởng nghiêm trọng do động đất và sóng thần
Thảm hoạ động đất và sóng thần xảy ra hôm 11/3 tại khu vực Đông Bắc Nhật Bản có thể sẽ tác động xấu đến nền kinh tế nước này ở mức độ sâu và lâu dài hơn dự tính.
Chính phủ Nhật Bản ngày 13/3 dự tính tác động kinh tế của trận động đất có cường độ 9,0 độ Ricte (theo đánh giá mới nhất của Tôkyô) và đợt sóng thần chiều 11/3 là "vô cùng lớn".
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano thừa nhận: "Trận động đất tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua này sẽ tác động xấu đến nhiều hoạt động kinh tế của Nhật Bản".
Giới phân tích cho rằng có thể phải mất nhiều tuần nữa mới có thể đánh được những thiệt hại mà thảm hoạ thiên tai gây ra cho kinh tế Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản thông báo ít nhất 1.000 người thiệt mạng, song cảnh sát trưởng quận bị ảnh hưởng nặng nề Miyagi cho rằng số người chết có thể vượt 10.000 người.
Động đất và sóng thần đã phá huỷ một số sân bay và hải cảng chủ chốt, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông thuộc các khu vực bị ảnh hưởng ở Đông Bắc Nhật Bản bị tàn phá nặng nề. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản cho biết họ đã phải ngừng mọi hoạt động.
Các nhà chế tạo ô tô Toyota, Nissan và Honda đã thông báo tạm ngừng toàn bộ hạt động sản xuất ở trong nước ít nhất cho tới đầu tuần này. Hãng sản xuất các sản phẩm điện tử cũng đã tạm ngừng các hoạt động ở trong nước. Ngày 13/3, tập đoàn Mitsubishi cho biết sẽ ngừng hoạt động tất cả ba nhà máy của hãng ở trong nước trong ngày 14 và 15/3, trong khi hãng Suzuki tạm dừng hoạt động trong ngày 14/3.
Tác động của trận động đất đối với ngành điện nguyên tử của Nhật Bản là mối lo ngại sâu sắc, sau khi xảy ra sự cố nổ và rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukussima 1, nằm cách thủ đô Tôkyô 250 km về phía Đông Bắc. Điện hạt nhân đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tiêu thụ điện của Nhật Bản, và việc đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân và các hoạt động kinh tế của Nhật Bản.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Banri Kaieda cho biết, khu vực phía Đông nước này có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng, do động đất và sóng thần. Tính đến nay, 11 trong tổng số gần 50 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã phải đóng cửa.
Công ty Điện lực Tokyo và Công ty Điện lực Tohoku vừa thông báo, bắt đầu từ ngày 14/3, sẽ tiến hành cắt điện luân phiên theo từng khu vực, trong đó có thủ đô Tokyo. Dự kiến, biện pháp tiết kiệm điện này có thể phải kéo dài trong nhiều tuần lễ. Nhật Bản cũng đã đề nghị Nga cung cấp thêm năng lượng cho nước này.
Phó Thủ tướng Nga phụ trách năng lượng Igor Sechin cho biết, Nhật Bản đã đề nghị tập đoàn Gazprom tăng lượng khí đốt hóa lỏng (LNG) cung cấp cho nước này. Hiện Gazprom đang cân nhắc khả năng cử hai tàu chở dầu có tải trọng 100.000 tấn tới Nhật Bản. Ông cũng cho biết thêm Nga sẵn sàng cung cấp thêm từ 3 triệu tấn đến 4 triệu tấn than đá cho Nhật Bản và trong tuần tới, các đại diện Công ty Năng lượng than đá Siberi sẽ tới Nhật Bản.
Cùng với khoản nợ công vốn lớn gấp đôi quy mô nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ của Nhật Bản và tình trạng xấu đi của nền tài chích, Tôkyô đang thảo luận khả năng tăng thuế để có thêm tiền cấp cho công tác cứu trợ. Giới phân tích nhận định tình trạng thiếu điện và khả năng Chính phủ Nhật Bản nâng các mức thuế sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, cũng như nhiều công ty ở nước này và có thể gây ảnh hưởng xấu hơn nhiều so với tác động kinh tế từ trận động đất Kobe hồi năm 1995.
Tình trạng mất điện tràn lan đã bắt đầu từ đầu tuần này, ảnh hưởng đến giới doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, giữa lúc chính phủ đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng được coi là tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Thảm hoạ động đất và sóng thần khiến hơn 1 triệu người không được tiếp cận điện và không ít thị trấn bị xoá khỏi bản đồ hành chính của Nhật Bản.
Kinh tế của Nhật Bản được đánh giá là tốt hơn so với thời điểm xảy ra trận động đất Kobe năm 1995. Song, nhiều chuyên gia cho rằng tác động của trận động đất và sóng thân mới đây đối với kinh tế Nhật Bản, vốn vừa chỉ phục hồi đôi chút từ suy thoái vào cuối năm 2010, có thể sẽ được "cảm nhận" trong vài tháng nữa.
Nhà kinh tế trưởng Janwillem Acket, thuộc hãng phân tích Julius Baer, nhận xét: "Trận động đất ngày 11/3 sẽ làm đình đốn nhiều hoạt động, ảnh hướng nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong bối cảnh tình trạng thiếu điện có thể dẫn đến sự giảm mạnh các hoạt động sản xuất". Ông Acket dự tính tác động của thảm hoạ thiên tai có thể được cảm nhận trong vòng 2 quý nữa.
Sau trận động đất năm 1995, kinh tế Nhật Bản đã giảm 2%, trước khi phục hồi trở lại theo hình chữ V. Nhưng ở thời điểm đó, giá dầu chỉ ở mức 17-21 USD/thùng và giá đồng yên vào khoảng 100 yên đổi 1 USD. Trong khi đó, tại thời điểm này, giá dầu đã đạt trên 100 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn 2 năm qua và đồng yên mạnh ở mức 82 yên ăn 1 USD.
Thời giới phân tích, chỉ riêng hai yếu tố này (giá dầu cao và đồng yên mạnh) cũng đủ làm cho kinh tế Nhật Bản "điêu đứng" hơn so với năm 1995.
Kinh tế Nhật Bản đã giảm 1,3% trong quý IV/2010. Theo kết quả khảo sát do hãng Reuters tiến hành trước khi xảy ra thảm hoạ chiều 11/3, kinh tế nước này trong quý I/2011 có thể tăng trưởng 0,5% so với quỹ trước đó hoặc gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới phân tích cho rằng kinh tế Nhật Bản có thể phải tốn nhiều thời gian hơn dự kiến để thoát ra tình trạng khó khăn hiện nay. Theo họ, tác động tiêu cực lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế sẽ nổi lên vào quý II/2011.
Theo ước tính của ngân hàng Myrrill Lynch (Mỹ), các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần chiếm tới 7,8% GDP của Nhật Bản, so với mức tỷ trọng 12,4% của những vùng bị ảnh hưởng trong trận động đất Kobe năm 1995. Myrrill Lynch dự tính tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản có thể mất 0,2-03 điểm phần trăm do động đất và sóng thần, cho dù một lượng lớn công suất dư thừa có thể bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng này. Cũng theo tính toán của Myrrill Lynch, chi phí cho các nỗ lực tái thiết có thể lên tới ít nhất 1% GDP.
Để củng cố lòng tin cũng như sự ổn địng trên các thị trường tài chính trong nước, do các công ty có thể rút vốn để bảo toàn tiền của họ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 14/3 đã quyết định bơm 7.000 tỷ yên (85 tỷ USD) vào thị trường trong ngắn hạn, đồng thời tuyên bố có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo Nguyễn Trường - TTXVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.