Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt cho bệnh nhân ung thư
Dinh dưỡng cung cấp năng lượng nuôi cơ thể chúng ta, là một phần không thể thiếu được dù là cơ thể khỏe mạnh hay ốm yếu, và nhất là với trường hợp bệnh nặng thì dinh dưỡng càng cần thiết hơn.
Theo các chuyên gia, cũng như người khỏe mạnh, bệnh nhân ung thư nên lưu ý bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa. Sử dụng thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều người có lối suy nghĩ là bỏ đói tế bào ung thư bằng các chế độ ăn thực dưỡng, ngồi thiền, truyền năng lượng,… sẽ giúp cho bệnh tiến triển tốt, nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Khi mắc bệnh ung thư, quá trình điều trị xạ trị, hóa chất sẽ khiến thể trạng người bệnh suy kiệt rất nhanh. Nếu không có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, người bệnh sẽ không có đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị được, dẫn đến thời gian sống sẽ bị rút ngắn, tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và tử vong.
Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn uống và sinh hoạt cho bệnh nhân ung thư, theo khuyến nghị của chuyên gia:
- Duy trì cân nặng lý tưởng: Đối với nhiều người bệnh, nên tránh giảm cân bằng cách dung nạp đủ lượng calo mỗi ngày. Đối với những người bệnh thừa cân – béo phì, cần giảm cân.
- Người bệnh cần được bổ sung đầy đủ các loại dưỡng chất cần thiết như chất đạm, tinh bột, vitamin… trong bữa ăn hàng ngày.
- Một mô hình ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều rau và trái cây, một lượng vừa phải ngũ cốc và các nguồn protein thực vật như các loại hạt, đậu nành, cùng các loại thịt như cá, thịt gia cầm, thịt nạc hoặc sản phẩm từ sữa ít béo.
- Nên chia nhỏ bữa ăn ra thành 6 - 8 bữa/ngày là hợp lý, thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường. Cùng với đó, người bệnh cần chú ý nên ăn chậm, nhai kỹ để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn.
- Không kiêng khem quá nhiều, vẫn ăn uống bình thường, một số loại thực phẩm như xúc xích, đồ nướng, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… thì cần hạn chế.
- Ngoài các loại thực phẩm, người bệnh có thể cần uống bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin B1, B12, C… và viên sắt để bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
- Tập luyện tích cực khi có thể, như đi bộ hằng ngày. Bởi vì hạn chế vận động (ngồi hoặc ngủ quá nhiều) có thể gây giảm khối lượng cơ và tăng lượng mỡ cơ thể, ngay cả khi không có ý định giảm cân.
- Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan
Minh Nhật
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.