Powered By Blogger

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Bài 31: Làm truyền hình trên smartphone



Bài 31: Làm truyền hình trên smartphone

Nhịp sống trẻ | Thứ hai, 09/04/2018 09:56 (GMT+7) 

TTTĐ - Tiếp cận công nghệ số hiện đại, nhiều phóng viên, biên tập viên của các cơ quan truyền thông sử dụng các tính năng của điện thoại để tác nghiệp, ứng xử với nhiều tình huống nghiệp vụ. Họ còn làm phóng sự truyền hình trên điện thoại thông minh- smartphone, không chỉ đảm bảo chất lượng tác phẩm mà còn truyền tải thông tin đến công chúng một cách nhanh chóng.




“Phóng viên hiện trường”


Nguyễn Văn Tuyến, sinh năm 1989, công tác tại Đài Truyền hình Hà Nội từng tham gia cuộc thi “Sản xuất phóng sự truyền hình trên thiết bị di động cầm tay” do đơn vị tổ chức và giành giải Ba. Nội dung tác phẩm phóng sự của anh là phản ánh gương người tốt việc tốt - một ông đồ dạy chữ Nho ở làng La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Ông đã tự bỏ tiền nhà ra mở xây dựng, tạo một gian riêng cho các em học sinh đến học tập miễn phí. Phóng sự này có thời lượng 1,5 phút.

Chàng phóng viên trẻ đã thực hiện ghi hình và ghép lời bình bằng phần mềm iMovie trên điện thoại Iphone. Phần mềm này là ứng dụng hoàn toàn miễn phí trên Iphone và Ipad,kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nó cho phép người dùng tạo ra những đoạn video, kết hợp nhiều clip, chèn hình ảnh, thêm hiệu ứng, âm thanh…

Đài truyền hình Hà Nội trao thưởng phóng viên đoạt giải Cuộc thi “Sản xuất phóng sự truyền hình trên thiết bị di động cầm tay”

Trước đây, Tuyến đã học công nghệ thông tin tại một trường cao đẳng và học chuyên ngành báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Văn Tuyến làm việc cho một số tờ báo theo đúng chuyên ngành đã học. Một thời gian sau, chàng trai trẻ đã chuyển sang Đài Truyền hình Hà Nội làm việc. Ban đầu, anh không tránh khỏi những ngỡ ngàng khi chuyển mảng. Việc tiếp cận, cập nhật kiến thức thường xuyên, đặc biệt là công nghệ tiên tiến… giúp chàng cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền sớm thích nghi và trở nên chuyên nghiệp trong môi trường truyền hình.

Thực hiện phóng sự truyền hình trên điện thoại di động là việc mà chàng trai trẻ rất tâm đắc. Anh cho hay, bước đầu tiên của quy trình làm phóng sự đó là sử dụng điện thoại quay video clip như bình thường, để lấy hình ảnh. Muốn có cảnh quay nào thì người làm sẽ chọn lọc hình ảnh. Sau đó, dùng ứng dụng iMovie hoặc một số phần mềm khác để sắp xếp hình ảnh như lên “kịch bản” một phóng sự thông thường; rồi tạo hiệu ứng, chuyển hình, tốc độ di chuyển của từng cảnh quay theo mục đích, ghép nhạc- nếu cần thiết. Người làm phóng sự có thể thuyết minh cho tác phẩm của mình trước hoặc sau khi đã hoàn thiện phần hình trong ứng dụng. Tất cả các khâu đó đều được làm trên smartphone.

Nguyễn Văn Tuyến cho rằng: “Sử dụng điện thoại di động để làm phóng sự truyền hình rất thuận tiện vì nhỏ gọn, có thể len lỏi vào được những góc quay mà máy chuyên nghiệp khó có thể thực hiện được. Các thiết bị smartphone bây giờ rất hiện đại. Nó tích hợp các chức năng ghi âm, chụp ảnh, quay phim và nhiều phần mềm để liên kết giữa các yếu tố ấy, có thể tạo thành tác phẩm truyền hình hoàn chỉnh. Điều đặc biệt là chất lượng thu âm, hình ảnh khá tốt, đáp ứng yêu cầu của đông đảo người xem và hoàn toàn đảm bảo về mặt thông tin nhanh”.

Theo Tuyến, không chỉ tiện lợi quay video, ứng dụng ghi và chỉnh sửa âm thanh, audioBoom, audioboo, active voice, voice recorder... trên điện thoại di động thông minh hỗ trợ rất tốt trong việc cắt, chỉnh sửa file. Hiện nay, với điện thoại di động sử dụng hệ điều hành android 4.2 trở lên và IOS 5.0 trở lên đều có thể sử dụng công cụ soạn thảo sẵn có trên máy, việc gõ văn bản trên điện thoại trở nên dễ dàng hơn cho các phóng viên, biên tập viên muốn thực hiện bài viết ngay tại hiện trường mà không có máy tính. Tuyến cho rằng, công nghệ hiện đại đã giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể dễ dàng trở thành “phóng viên hiện trường”.



Đòi hỏi nhiều kỹ năng


Là một phóng viên thuộc ban Thời sự, Đài Truyền hình Hà Nội, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt luôn phải tác nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác để mang thông tin nóng hổi nhất đến với công chúng. Cô gái trẻ luôn mày mò tìm hiểu các phần mềm dựng hình trên điện thoại di động và đã chọn ra ứng dung iMovie để làm tác phẩm truyền hình.

Ánh Nguyệt cho biết, năm 2016, cô bắt đầu làm truyền hình trên điện thoại. Tác phẩm đầu tay từ smartphone của cô là một phóng sự dài 4 phút. Tuy nhiên, để được 4 phút phát sóng trên đài, nữ phóng viên trẻ phải bỏ ra hơn cả tiếng đồng hồ để quay, ghép lời bình và dẫn hiện trường. Sau đó, Nguyệt Ánh đã tham gia lớp tập huấn của Đài Truyền hình Hà Nội về làm truyền hình qua smartphone. Đến nay, cô đã thực hiện hàng chục phóng sự trên chính chiếc điện thoại cầm tay của mình.

Ở đài, Ánh Nguyệt là một trong những phóng viên làm nhiều video clip trên smartphone. Những tác phẩm ấy nếu không nói được thực hiện bằng điện thoại thì khó ai có thể phát hiện ra. Tác phẩm Tình yêu của mẹ mà cô làm gần đây đã đoạt giải Nhất Cuộc thi “Sản xuất phóng sự truyền hình trên thiết bị di động cầm tay” do Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức. Đó là phóng sự về một người phụ nữ khuyết tật cả chân, tay nhưng vẫn vươn lên và giữ ước mơ làm mẹ, chăm sóc đứa con từ khi lọt lòng đến lúc lớn lên, nghị lực ấy làm lay động lòng người.

Nữ phóng viên trẻ chia sẻ: “Thao tác trên điện thoại, bên cạnh lợi thế - rất tiện cho phóng viên tác nghiệp một cách nhanh – gọn- nhẹ, thì việc sử dụng thiết bị này cũng còn một số yếu điểm nhất định. Đó là khả năng quay xa kém, nếu quay zoom gần sẽ dễ bị vỡ hình, nên đòi hỏi mình phải đến rất gần hiện trường, nhân vật... Khi phỏng vấn, nhất là các tác phẩm mang tính chất nghệ thuật, tình cảm thì phải có cách phỏng vấn khéo léo, sáng tạo sao cho hình ảnh lấy được tự nhiên”.

Để khắc phục tối đa những hạn chế từ việc làm phóng sự truyền hình trên điện thoại di động, Ánh Nguyệt phải tuân thủ nguyên tắc ghi hình, giống như quay phim bằng máy chuyên dụng. Theo cô, nếu dùng smartphone làm phóng sự truyền hình mang lại chất lượng tốt thì phải nghiên cứu và bỏ kinh phí đầu tư các phụ kiện hỗ trợ như: Chân máy, giá đỡ, gậy tự chụp ảnh...

“Khi dựng hình bằng một số phần mềm trên điện thoại, kỹ xảo không được đầy đủ như dàn dựng chuyên nghiệp, cần có những thủ thuật nhất định để tính đếm được theo ý của mình. Bên cạnh đó, lúc phỏng vấn, vì điện thoại không có chức năng lọc tạp âm như micro thường, nên chúng ta cần có dụng cụ ghi âm khác, đặt sát gần nhân vật để lấy tiếng, sau đó về ghép với hình”, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chia sẻ.

Từng làm phóng sự truyền hình trên smartphone và hướng dẫn các phóng viên, biên tập viên truyền hình về kỹ năng tác nghiệp bằng điện thoại di động, Đạo diễn Nguyễn Đức Hòa - Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, nếu thành thạo kỹ năng tác nghiệp bằng điện thoại, ứng xử tình huống tốt, cộng với việc hầu hết các máy điện thoại di động đời mới đều có tính năng quay full HD, thì hình ảnh làm ra từ smartphone không khác gì các máy quay chuyên dụng.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, tương lai tới sẽ bùng nổ về cách làm báo, truyền hình trên điện thoại di động. Các ứng dụng trên smartphone, mạng xã hội chưa thể thay thế hoàn toàn những công cụ tác nghiệp chuyên nghiệp, cũng như thói quen sử dụng của phóng viên với máy ảnh, máy quay phim... Song, nó đang ngày càng hỗ trợ phóng viên tốt hơn trong việc sản xuất thông tin, từ tin văn bản, hình ảnh đến video, đặc biệt là khả năng kết nối và truyền tải dữ liệu mọi lúc, mọi nơi...

(Còn nữa)



BÌNH MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.