Văn hóa điện thoại
Văn hóa nghe - gọi điện thoại là vấn đề giới trẻ phải quan tâm trau dồi. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: V.V |
Mặc dù đề tài không còn mới và đã có nhiều bài báo đề cập, phản ánh đến vấn đề này, song trong đời sống hàng ngày vẫn không ít người sử dụng điện thoại di động một cách thiếu văn hóa trong giao tiếp, nếu không muốn nói là… vô văn hóa! Có thể là, với nhiều người thì họ thừa hiểu như thế nào là lịch sự, là có văn hóa…, thế nhưng khi sử dụng điện thoại di động thì chính những người ấy, chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà họ lại quên mất rằng mình cần phải giao tiếp sao cho lịch sự, tế nhị, nhất là ở những chỗ “nhạy cảm” như đám tang, trong cuộc hội họp trang nghiêm…
Mới đây đi đám tang một người thầy giáo ở huyện Cần Giờ, trong khi tất cả gia quyến, khách khứa trong khán phòng đang trang nghiêm làm lễ mặc niệm để chuẩn bị tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng, thì bỗng dưng một hồi chuông điện thoại với tiếng réo to vang lên. Chủ nhân của chiếc máy điện thoại ấy không những không tắt máy đi, hoặc bật chế độ im lặng mà vô tư thưa máy với tiếng a lô năm lần bảy lượt to tướng. Rồi thì người này còn nói bô bô, thậm chí còn cười hô hố với người ở đầu máy bên kia. Mọi ánh mắt ái ngại đều đổ dồn về phía chủ nhân của cuộc đàm thoại kia khi 1 phút mặc niệm trôi qua. Chẳng hiểu người nghe điện thoại kia có hiểu thế nào là lịch sự, là “văn hóa điện thoại” không, chứ cái kiểu sử dụng điện thoại không đúng nơi đúng chỗ như vậy e khó chấp nhận quá?!
Tôi cũng đi dự nhiều đám tang ở nhà tang lễ thành phố, cũng như tại tư gia thì thấy, chuyện “a lô” của nhiều người quá vô tư, quá thoải mái thông qua việc họ cười đùa và “buôn dưa lê” với sự vui vẻ thái quá, mà đáng lẽ ra nó không nên làm như thế ở đám tang, vì không khí tang ma, không chỉ toàn gia quyến, mà khách khứa đến viếng cũng trĩu nặng nỗi lòng như bày tỏ sẻ chia sự đau đớn mất mát với gia chủ. Việc này không ai nhắc ai nhưng tự mỗi người phải tự nhận ra. Đành rằng, nhu cầu giao tiếp của mỗi người là có thật, nhất là trong thời đại thông tin thì chiếc điện thoại là khá hữu ích, thế nhưng thật khó chấp nhận họ “bô bô”, cười đùa cợt nhả ở chỗ ai cũng đang đau buồn.
Đó là ở đám tang, còn trong các cuộc hội họp, hội thảo, các khán phòng đông đúc cần sự tập trung của mọi người, thường thì trước khi sự kiện diễn ra bao giờ cũng có một “thông báo” nho nhỏ là mọi người hãy tắt máy điện thoại, hoặc để chế độ rung! Thế nhưng, vẫn còn một số ít người không làm theo lời nhắc nhở ấy mà họ vẫn vô tư để chuông to, vẫn giao tiếp điện thoại một cách hồn nhiên với giọng to tướng như… ngoài chợ, ngoài đường phố. Khi gặp những người “thiếu văn hóa” như vậy thì những người ngồi cạnh luôn cảm thấy khó chịu. Nếu họ hiểu thì không sao, chứ họ không hiểu mà ai đó nhắc nhở họ thì chắc chắn sẽ nhận được sự hằn học…
Chuyện văn hóa điện thoại trên xe buýt thì có cả trăm ngàn vạn chuyện đến cười ra nước mắt. Vẫn biết là ở trên loại hình phương tiện giao thông công cộng này không có quy định cấm giao tiếp bằng điện thoại nhưng nhiều người quả là thiếu ý thức trong cách sử dụng điện thoại. Không ít người mắc chứng nói dài, nói oang oang khiến hành khách, lái phụ xe nhức đầu. Tôi từng chứng kiến một cô nữ sinh viên nói chuyện điện thoại suốt từ bến cô ấy lên là Cầu Giấy, cho tới tận gần Bến xe Giáp Bát mới thôi. Cô ta “buôn” chuyện trên trời dưới biển, chuyện tình cảm, chuyện học hành, ăn uống… nghe đến chán chường. Giọng cô ta nào có bé, cứ to tướng lên, đôi khi còn cười ré lên nghe đến là vô duyên. Khách thì chẳng dám nhắc nhở, vì ai cũng nghĩ dẫu có khó chịu thật đấy những chẳng hơi đâu… May lúc anh phụ xe nhắc nhở cô ta nói bé, nói ít thôi thì cô ta mới chịu ngừng “buôn”.
Điện thoại là phương tiện phổ thông, hữu ích và tiện dụng của mọi người trong thời đại ngày nay. Sử dụng và giao tiếp thông qua điện thoại như thế nào để có văn hóa, và không kệch cỡm, lạc lõng… giữa mọi người đều luôn có văn hóa là điều mà không ít người cần phải học hỏi, hoàn thiện mình.
Nguyễn Gia Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.