Powered By Blogger

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Xông đất dịch giả "Người giàu cũng khóc"

Xông đất dịch giả "Người giàu cũng khóc"


Thứ Ba, 31/01/2012 13:55 GMT+7
(TT&VH) - Trong không khí Xuân Nhâm Thìn, tại TP Tuy Hòa - Phú Yên, dịch giả Người giàu cũng khóc ra mắt 30 tác phẩm mới nhưng không phải bằng chữ mà bằng sơn dầu. Đây là triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của nhà văn, dịch giả Đào Minh Hiệp.
Xuất thân là kỹ sư mỏ địa chất, Đào Minh Hiệp ngoài sáng tác, dịch thuật văn chương, ông còn là một cây cọ lành nghề. Thể loại yêu thích nhất của ông là tranh tĩnh vật, phong cảnh và chân dung. Nhân cuộc triển lãm, TT&VH “xông đất” đầu năm nhà văn Đào Minh Hiệp từ chuyện hội họa đến văn chương, nhất là trong tình hình kinh tế ảm đạm các năm qua khiến “người giàu cũng khóc” trở thành câu nói cửa miệng của rất nhiều người.
Tĩnh vật về chiếc phong bì
* Xem tranh của ông, thấy đậm phong cách Nga, vậy nước Nga để lại những dấu ấn gì khi ông làm văn học, nghệ thuật?
- Mê vẽ từ nhỏ, nhưng tôi chỉ có ý thức học hội họa từ những ngày ngồi trên giảng đường ĐH Thăm dò địa chất Moskva giữa những năm 60 thế kỷ trước. Vì tiếp xúc thường xuyên với các tác phẩm hội họa Nga, nên tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ phong cách của họ, nhất là của nhóm họa sĩ Triển lãm lưu động (Peredvizhniki) như: Shishkin, Vaxiliev, Kramskoi, Repin, Aivazovxki, Kuinji, Levitan, Savrasov, Perov, Polenov… Ngoài mỹ thuật, tôi còn được tiếp xúc với văn học, âm nhạc, điện ảnh Nga... Cũng chính trong thời gian này, tôi đã tập dịch những truyện ngắn của nhà văn Nga Turghenev. Những món ăn tinh thần đó cùng với tình cảm sâu nặng mà người Nga dành cho chúng tôi đã góp phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và lý tưởng của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ.
Chân dung tự họa của Đào Minh Hiệp
* Tranh tĩnh vật mô tả những đồ vật vô tri vô giác, tuy nhiên, tôi thấy nhiều người lại quan tâm đến tĩnh vật của anh, nhất là bức Tĩnh vật với bình trà.Có gì đặc biệt ở đó?
- Bức tranh có bố cục khá đơn giản: bộ bình trà, ly pha cà phê, trái táo, đĩa và nĩa. Có vẻ chủ nhân của những đồ vật đó chuẩn bị dùng bữa sáng. Tuy nhiên có một chi tiết gây nên sự tò mò, đó là chiếc bì thư nằm dưới chiếc đĩa. Người xem suy luận: chủ nhân vừa mới nhận thư, hay ăn xong sẽ đi gởi thư, có thể chủ nhân mới nhận “phong bao”, hay chuẩn bị “phong bao” để giải quyết công việc?... Có anh bạn xem xong bảo tôi: anh vẽ chiếc phong bì mang hàm ý tiêu cực. Mấy bữa sau, anh bạn cưới vợ cho con, tôi đến dự đám cưới với chiếc phong bì, hỏi lại, phong bì này là tiêu cực hay tích cực? Anh bạn cười.
Ngày xưa, chiếc phong bì chỉ là phương tiện trao đổi thông tin, nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, chiếc phong bì đã có thêm nhiều chức năng mới, mà vài chục năm trước không ai có thể ngờ tới. Những đồ vật tưởng như vô tri vô giác nhưng lại có ý nghĩa “mở” để người xem cùng chia sẻ sự cảm nhận.
Tác phẩm Tĩnh vật với bình trà
Mỏ nghệ thuật vô biên
* Người ta biết nhiều đến Đào Minh Hiệp qua bản dịch các bộ tiểu thuyếtĐức mẹ mặc áo choàng lông, Khát vọng đổi đời, Thám tử buồn… và nhất là bộ phim và cuốn sách Người giàu cũng khóc - còn có tên khác là Nước mắt người giàu. Xin hỏi ông, trong hai cái tên này, ông thích tên nào hơn?
- Nếu tôi nhớ không nhầm, vào thời gian cả nước chiếu bộ phim này đã có một cuộc tranh luận khá thú vị về hai cái tên đó trên một tờ báo có lượng phát hành cực lớn. Tên Nước mắt người giàu là tôi dịch từ bản tiếng Nga do Đài Truyền hình Phú Yên (nay là VTV Phú Yên) khai thác. Còn tên Người giàu cũng khóc là do Đài truyền hình VN dịch sau này. Tôi và các bạn ở Truyền hình Phú Yên cho rằng, “ái, ố, hỉ, nộ” là trạng thái tình cảm của tất cả mọi người, bất kể giàu nghèo. Và “khóc” chỉ diễn tả được một khía cạnh là nỗi đau của con người, còn “nước mắt” thì nghĩa rộng hơn. Chính vì vậy mà chúng tôi dịch là Nước mắt người giàu. Sau này, khi in sách, để thuận lợi trong khâu phát hành, NXB xin phép chúng tôi được lấy tên Người giàu cũng khóc.
* Ông là kỹ sư thăm dò khai thác mỏ địa chất, theo ông, việc đào mỏ dưới lòng đất khó hay dễ hơn “đào mỏ trong nghệ thuật”? Ở tuổi về hưu, “mỏ nghệ thuật” mà ông đang “khai thác” đã cạn hay vẫn “dồi dào”?
- Trong quá trình khai thác hai loại “mỏ” đó, có một sự khác biệt rất quan trọng. Với mỏ khoáng sản, các nhà địa chất như chúng tôi có thể đánh giá trữ lượng của mỏ một cách chính xác. Còn với mỏ sáng tạo nghệ thuật, chẳng văn nghệ sĩ nào có thể đoan chắc khả năng sáng tạo của mình tới đâu. Chính vì vậy mà khai thác mỏ nghệ thuật, khó hơn nhiều.
Bản thân tôi, chưa bao giờ dám tự nhận mình là văn nghệ sĩ. Sáng tác nghệ thuật với tôi như một thú vui để bồi dưỡng tâm hồn và tìm sự đồng cảm, cũng giống như những người khác thích hát, thích chụp ảnh, chơi cây kiểng… Chỉ có điều tôi có hai “mỏ” văn và vẽ để luân phiên khai thác. Khi mỏ này sắp cạn, tôi chuyển sang mỏ kia, nhờ vậy mà vẫn tìm thấy niềm vui sáng tạo khi đã về hưu.
* Với tình hình kinh tế ảm đạm như hiện nay, sẽ có nhiều “người khóc”. Nhưng rõ ràng là, cái sự khóc vì cơm áo không thể nào đáng sợ bằng sự nghèo nàn trong tâm hồn. Năm mới ông có lời chúc nào đến độc giả?
- Trong hoạt động kinh tế, thành bại là chuyện thường tình, với những người có sức đề kháng thì “thua keo này, bày keo khác”. Điều quan trọng, đúng như anh nói, là đừng để tâm hồn bị cạn kiệt. Tôi chúc cho tất cả mọi người hãy trân trọng và gìn giữ cái vốn quý tâm hồn, vì nó chính là động lực quan trọng cho mọi thành đạt trong cuộc sống.
Hoàng Nhân (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.