Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao:
Bài 1: Nhiều lợi ích, nhưng đầy chông gai
VOV.VN - Qua thực tiễn tại tỉnh Lâm Đồng, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ thấy siêu năng suất và lợi nhuận, mà đầy chông gai phía trước.
Với điều kiện tự nhiên, dân số và truyền thống sản xuất, Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam cũng đã không ngừng phát triển, thể hiện vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong thời gian dài vừa qua, giá trị sản xuất nông nghiệp đóng góp từ 25% đến 30% GDP.
Nhưng gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp thất thường và suy giảm mạnh (giai đoạn 1996-2000 tăng 4,3%; giai đoạn 2001 - 2005 tăng 3,83%; giai đoạn 2006 - 2010 tăng 3,34%; năm 2011 tăng trưởng 4,02%, giảm còn 1,36% năm 2016, thấp kỷ lục; nhưng năm 2017 lại tăng trưởng lên 2,90%). Trong khi đó, đại bộ phận người dân Việt Nam sinh sống ở khu vực nông thôn, làm nông nghiệp. Sự suy giảm này sẽ tác động đến đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn và tác động mạnh đến “sức khỏe” chung của nền kinh tế.
Sản xuất rau theo công nghệ cao tại làng rau hoa Vạn Thành, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Do đó, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và xác định thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững là chủ trương lớn, một trong các nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, xác định ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng lợi ích cho các bên tham gia làm nông nghiệp là hướng đi tất yếu và phù hợp với xu thế thế giới.
Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Chính phủ quyết định thực hiện từ năm 2012. Tuy nhiên đến nay, sau 5 năm triển khai, Chương trình này chưa gặt hái kết quả như kỳ vọng, thậm chí có thể nói là rất ì ạch (đến tháng 8/2017, cả nước mới có 28 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 2 khu và 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và bộc lộ nhiều bất cập trong thực tiễn.
Vấn đề đặt ra là làm cách nào để quãng đường từ chủ trương đúng đắn đến hành động thiết thực và hiệu quả trong thực tiễn trở nên ngắn lại? Đây là bài toán khó, cần cả hệ thống chính trị cùng tư duy và hành động để tìm đáp án đúng.
Nhóm phóng viên Báo điện tử VOV đi tìm lời giải cho bài toán này.
Bài 1: Nhiều lợi ích, nhưng đầy chông gai
Trang trại dâu tây Biofresh Farm nằm trong khu du lịch hồ Than Thở, ở phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngày càng trở nên nổi tiếng và là điểm thăm quan, trải nghiệm, học hỏi làm nông dân “hi-tech” (công nghệ cao) khó bỏ qua của du khách khi tới Đà Lạt. Nhưng ít ai biết rằng, đây mới là thành quả bước đầu của sự dấn thân đầy dũng cảm, đẫm mồ hôi và thậm chí là rất “dở người” của đôi vợ chồng Việt kiều từ bỏ cuộc sống sung túc tại nước Pháp để trở về Việt Nam... làm ruộng, trong khi nông dân Việt không ít người bỏ ruộng. Đó là vợ chồng anh Nghiêm Văn Minh (sinh năm 1955) và chị Nguyễn Thị Bích Thủy (sinh năm 1981), chủ trang trại Biofresh Farm.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh học sạch (Biofresh Co. Ltd), chủ trang trại Biofresh Farm, đang kiểm tra cây giống |
Việt kiều về quê... làm ruộng
Anh Minh vốn là chuyên gia khoa học máy tính tại Pháp. Nhiều lần về thăm Việt Nam, anh được ăn trái dâu tây Đà Lạt - một trong những sản phẩm làm nên thương hiệu trái cây của thành phố này, nhưng anh vẫn thấy... “không đã” như ăn dâu tây bên Pháp. Hơn nữa, thấy nhiều nhà vườn không còn mặn mà phát triển trồng dâu nữa; nhiều nông dân bao năm cứ loay hoay cầy cuốc với ruộng vườn quanh năm vẫn không khá lên được, người dân Việt Nam thì cứ nơm nớp lo ăn phải nông sản bẩn, anh nảy sinh ý định tìm cách rẽ hướng phát triển sự nghiệp sang lĩnh vực nông nghiệp.
Với tình yêu quê hương và khát vọng giúp nền nông nghiệp Việt Nam bứt phá, giúp người nông dân Việt Nam có thể làm giàu trên mảnh đất của mình, đặc biệt là có sản phẩm sạch và giàu dinh dưỡng, năm 2010 anh quyết định về quê tìm thuê đất, bắt đầu trồng dâu tây với kỳ vọng sẽ gây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) theo chuẩn châu Âu tại Việt Nam.
Sau nhiều phen “lên bờ xuống ruộng”, anh chị tốn rất nhiều công sức, tiền bạc tới Pháp, Hà Lan học hỏi, và huy động các mối quan hệ bạn bè ở Pháp và Việt Nam giúp đỡ mới có thể vượt qua hàng loạt trở ngại về pháp lý, kỹ thuật trồng dâu... , đặc biệt là mang được giống dâu tốt từ Pháp về Việt Nam trồng thử nghiệm. Giờ đây, sau 7 năm, anh chị đã gây dựng được Trang trại dâu tây Biofresh Farm trên diện tích 2ha.
Hiện tại, Biofresh Farm đang sử dụng 15 lao động, cho thu hoạch 30 tấn trái/năm, doanh thu khoảng 240.000 USD/năm (khoảng 5,5 tỷ VNĐ). Hiện mỗi hộp dâu trọng lượng 0,5 kg được bán tại trang trại Biofresh với giá khoảng 125.000 đồng, đắt hơn giá nhiều loại dâu khác ngoài thị trường, nhưng vẫn luôn "cháy hàng". Trang trại xuất bán tươi 80% sản lượng, còn lại khoảng 20% được chế biến làm mứt, si-rô...
Đã có nhiều đối tác nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản...) tìm đến đặt hàng của Biofresh Farm với khối lượng lớn, nhưng chưa có sản phẩm đáp ứng vì diện tích canh tác 2ha quá bé nên sản lượng còn quá ít... Sở dĩ sản phẩm này có tính cạnh tranh cao và hút khách vì được sản xuất với quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của Pháp từ giống, chăm sóc, thu hoạch... Và để có kết quả này, ngoài công sức, chủ trang trại Biofresh Farm đã phải đầu tư tổng chi phí lên đến khoảng 30 tỷ đồng cho việc thuê đất, xây dựng nhà kính, nhà lưới, đầu tư máy móc công nghệ, nhân công...
Từ kinh nghiệm bản thân, chị Thủy cho rằng, nếu không trường vốn và kiến thức để làm một cách khoa học thì không thể làm được. Sở dĩ đầu tư rất tốn kém, và lâu thu hồi vốn, nhưng anh chị vẫn quyết dấn thân theo đuổi làm nông nghiệp công nghệ cao vì thấy đó là xu thế tất yếu, có nhiều tiềm năng, hiệu quả thiết thực cho tương lai. Và đặc biệt là “vì muốn xây dựng tại Đà Lạt mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo kiểu Pháp. Quan trọng hơn là muốn góp sức gây dựng niềm tin và quyết tâm sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng tốt trước hết cho chính nhu cầu, sức khỏe của người Việt Nam và sau đó là xuất khẩu ra thế giới” – chị Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh học sạch (Biofresh Co. Ltd) chia sẻ.
Câu chuyện trồng dâu tây của vợ chồng anh Minh, chị Thủy là một ví dụ thực tiễn về làm nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng. Nhưng đó là cách làm của “nhà giàu” với một tình yêu, một sự đam mê, và khát vọng giúp người nông dân Việt Nam có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. Bởi hiện tại, so với chi phí đầu tư lớn, trang trại này hiện chưa có lãi. Nhưng chủ trang trại khẳng định, tính theo đơn vị đất đai sản xuất thì làm nông nghiệp công nghệ cao cho năng suất và giá trị gia tăng cao. Vì thế vợ chồng chị sẵn sàng bán cả nhà bên Pháp để có vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng nếu tìm được đất.
Trang trại Biofresh Farm xuất bán tươi 80% sản lượng dâu, còn lại khoảng 20% được chế biến làm mứt, si-rô... |
Và họ tin tưởng làm sẽ có lãi lớn trong tương lai và cho tương lai, bởi nhờ nhân giống dâu tây và một số cây trồng khác thành công tại Đà Lạt, anh chị không chỉ đã có nguồn thu khá mà còn có thể chuyển giao giống tốt cho nông dân khác; mở rộng dần việc chuyển giao kỹ thuật canh tác và thu mua sản phẩm cho bà con. Từ đó, sẽ dần hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm nông sản sạch cho thị trường.
Nông dân đã có thể tiếp cận ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Cũng nhận thức được xu hướng sản xuất phải ứng dụng công nghệ cao để tăng sản lượng, chất lượng và giá trị gia tăng, tại Lâm Đồng, Hợp tác xã (HTX) Anh Đào đang gặt hái thành công. HTX này được thị trường biết đến là một tổ chức khá mạnh trong việc liên kết nông hộ trồng rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ nhà kính, tự động hoá vào tưới tiêu tạo ra và cung ứng sản phẩm rau quả sạch cho thị trường khắp Bắc – Trung – Nam.
Kể lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào, cho biết HTX bắt đầu hình thành từ năm 2000, khi đó chỉ có 7 hộ nông dân với vốn ban đầu hơn 7 triệu đồng, vài ha đất và chung khát vọng làm giàu. Cũng từng gặp khó khăn nhiều năm, thất bại liên tiếp ngoài sức tưởng tượng, nhưng với định hướng đúng, kiên trì và không ngừng sáng tạo, đến nay, ông Thừa và các xã viên có thể tự hào về sản phẩm của mình được chứng nhận thương hiệu “Rau Đà Lạt”. Từ đó, HTX không ngừng phát triển hệ thống các cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm, đồng thời, chủ động liên kết và được nhiều hệ thống siêu thị kết nối đặt hàng tiêu thụ sản phẩm.
Đến năm 2017, trung bình HTX Anh Đào đã cung ứng ra thị trường hơn 60 chủng loại rau. Mỗi tháng đội vận tải của HTX có 8 chuyến xe lạnh chở rau củ (mỗi xe 14 - 15 tấn) ra miền Trung, 8 chuyến ra Hà Nội và ngày nào cũng có xe cung cấp cho thị trường miền Nam; doanh số bán hàng khoảng 180 tỷ đồng/năm. Tổng số người lao động (cả cố định và thời vụ) của HTX lên tới hơn 200 người. Hiện nay, toàn bộ bà con xã viên của HTX và đất HTX thuê của nhà nước thì hơn 80% đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tính bình quân theo đơn vị đất đai thì lợi nhuận là 600 đến 700 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận của mỗi hộ tham gia HTX có được tùy thuộc mức độ góp vốn, đất vào HTX.
Từ thực tế hoạt động của HTX, ông Thừa đánh giá: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế, thị trường rất giàu tiềm năng. Hơn nữa, về trình độ sản xuất, nay bà con nông dân đã áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất và đang rất thành công.
Bản thân HTX Anh Đào cũng đã phát huy một cơ chế liên kết kinh tế tập thể rất linh hoạt. Ngoài 28 hộ thành viên có đất sản xuất được HTX đầu tư vốn sản xuất và bao tiêu đầu ra, HTX còn liên kết với 80 hộ nông dân, rồi thuê lại đất theo chính sách của tỉnh để đầu tư… với tổng diện tích canh tác khoảng 270ha (gồm đất của xã viên, hộ liên kết và đất do HTX chủ động thuê lại theo chính sách của tỉnh). Các hộ liên kết góp vốn, đất được hỗ trợ chi phí đầu tư sản xuất, chuyển giao ứng dụng công nghệ, hỗ trợ đầu vào về giống, phân bón, kỹ thuật thu gom, chuyên chở, bao tiêu sản phẩm đầu ra…
Hiệu quả cao nhưng đầy chông gai…
Những ví dụ thực tế trên phần nào phác họa bức tranh kết quả thực tế phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng. Tổng kết của UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy nhiều con số ấn tượng, như: Sử dụng gần 50.000 ha đất và nhu cầu quỹ đất vẫn tiếp tục gia tăng; thu hút được hơn 1.400 doanh nghiệp đầu tư; giá trị sản xuất đến năm 2016 đạt 300 triệu đồng/ha/năm (lợi nhuận đạt 60% doanh thu), cá biệt có nơi đã chạm tới mức 24 tỷ đồng/ha/năm; có 9 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp NNCNC (chiếm 31% số doanh nghiệp CNC của cả nước)....
Dù với kết quả đó, Lâm Đồng được đánh giá là hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm S (vừa là nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng), địa phương cũng đang gặp nhiều rào cản về vốn, huy động quỹ đất, kêu gọi đầu tư, giống cây trồng...
Đồng quan điểm này, là người trong cuộc, vừa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Công Thừa cho rằng, không riêng gì HTX Anh Đào mà những mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao khác cũng phải đối mặt thách thức ngày càng tăng về nguồn quỹ đất, vốn đầu tư, giống cây trồng, chất lượng nhân lực quản trị và nhân lực trực tiếp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt là áp lực cạnh tranh đầu ra. Bởi lẽ đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao sản xuất ra sản phẩm sạch, chất lượng cao hơn, giá thành sản phẩm có thể cao hơn sản phẩm sản xuất thông thường, nhưng phải đối mặt với thị trường có tính minh bạch thấp về chất lượng sản phẩm cùng chủng loại.
Nhìn tới tương lai, theo Tiến sĩ Phạm S, “Lâm Đồng có thành công bước đầu nhờ điều kiện thuận lợi về địa hình, khí hậu, nhiều chính sách... đặc thù. Do đó, trong quá trình định hướng và xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, địa phương hãy thận trọng căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để xác định loại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp theo từng loại sản phẩm nông nghiệp theo lộ trình thời gian cụ thể”.
Rõ ràng, thực tế làm nông nghiệp công nghệ cao cho lợi nhuận rất cao trên một đơn vị diện tích đất. Trong bối cảnh thực trạng nền sản xuất nông nghiệp nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ, thủ công và thâm dụng lao động nhiều, năng suất còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, đầu ra còn bấp bênh... thì kết quả nhiều mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng là siêu lợi ích. Nhưng đổi lại phải đáp ứng được nhiều đòi hỏi cao về chi phí đầu tư, giống, đất đai, kỹ thuật công nghệ, thị trường, lao động, quản trị...
Đây là những vấn đề rất quan trọng đang đặt ra đối với việc nhân rộng mô hình và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn cả nước./.
Cùng loạt bài: Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.