RUSHMORE: NGỌN NÚI VINH DANH 4 TỔNG THỐNG HOA KỲ ẢNH HƯỞNG NHẤT
Hơn 7 thập niên qua, hàng chục triệu lượt du khách đã đến đây nghiêng mình trước những vĩ nhân lừng danh của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, thuộc quần thể tượng đài chân dung khắc vào núi Rushmore gần thị trấn Keystone, phía nam tiểu bang South Dakota miền Trung Tây Hoa Kỳ.
Điều gây ấn tượng nhất là các bức tượng đều khép miệng, một điều rất khác lạ với giới chính khách! Nhóm vĩ nhân ở đây là 4 nhân vật quan trọng hàng đầu, thuộc số những tổng thống nổi tiếng nhất trong toàn bộ lịch sử tồn tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, theo thứ tự từ trái qua gồm:
– George Washington (1732-1799) là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, người lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng Mỹ tới thắng lợi cuối cùng giành độc lập từ tay đế chế Anh. Ông được coi là cha đẻ của Hoa Kỳ và đặt nền tảng cho nền dân chủ Mỹ. Vì thế, Washington là nhân vật đầu tiên được chọn để tạc tượng trên núi Rushmore.
– Thomas Jefferson (1743-1826) tổng thống thứ 3 của Mỹ, là tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập mà sau này đã truyền cảm hứng cho các nền dân chủ trên khắp thế giới. Ông cũng là người đã mua lãnh thổ Louisiana từ tay người Pháp năm 1803.
– Theodore Roosevelt (1858-1919) là tổng thống thứ 26, người đã lãnh đạo nước Mỹ trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng khi bước vào thế kỷ XX. Ông là “nhạc trưởng” trong cuộc đàm phán xây dựng kênh đào Panama nối đông và tây thế giới lại với nhau.
– Abraham Lincoln (1809-1865), vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, đã giữ vững được sự đoàn kết của Hợp chúng quốc trong cuộc thử thách lớn nhất là cuộc nội chiến. Ông đã xóa bỏ nạn nô lệ và là vị tổng thống Mỹ đầu tiên bị ám sát.
Điêu khắc gia G. Borglum bên khối tượng mẫu thu nhỏ.
17 năm là khoảng thời gian mà điêu khắc gia nổi tiếng người Mỹ gốc Đan Mạch Gutzon Borglum (1867-1941) đã bỏ ra, nhằm tạc quần thể tượng đài vĩ đại trên đỉnh núi Rushmore thuộc rặng Black Hills ở South Dakota, một vùng núi hoang vu từng là lãnh địa của bộ lạc da đỏ Lakota. Người da đỏ ngày trước gọi vùng này là Lakota Sioux, hay phổ biến hơn là núi “Sáu ông” (Six Grandfathers). Sau một chuyến thám hiểm năm 1885, ngọn núi được đổi tên là Mount Rushmore, lấy tên của Charles E. Rushmore, một luật sư nổi tiếng ở New York.Mục đích tạc nhóm tượng đài trên núi Rushmore ban đầu chỉ xuất phát từ việc muốn tạo ra một điểm thu hút du khách tới thăm vùng Black Hills của bang South Dakota. Lúc đó, người ta dự định tạc lên núi những nhân vật nổi tiếng của miền Tây như Buffalo Bill Cody. Nhà sử học Doane Robinson đã nảy ra ý tưởng này hồi năm 1923.
Điêu khắc gia G. Borglum đã hiến dâng cả đời mình cho nghề tạc tượng, những tổ hợp hoành tráng bằng đá hoa cương tiêu biểu cho quan điểm tạo hình của ông. Nhà tạc tượng G. Borglum luôn mơ ước tạo dựng một “đền thờ của nền dân chủ” khắc trên sườn núi cao, với những vĩ nhân hàng đầu. Nhiều đồng nghiệp thủ cựu cho ý tưởng táo bạo của ông là “điên rồ và vô lý”.
Gutzon Borglum và người con nối nghiệp Lincoln Borglum
Mặc kệ, “Con người ta ai cũng có thể làm được điều gì đó, chỉ cần có nghị lực và ý chí quyết tâm”, nhà điêu khắc Borglum và 400 công nhân đã miệt mài làm việc trong cái nóng mùa hè và cái lạnh mùa đông ròng rã suốt 17 năm. Và điều làm mọi người ngạc nhiên là với công trình như vậy mà không có người thợ nào bị thiệt mạng trong suốt quá trình thực hiện. Theo ý tưởng ban đầu, mỗi vị tổng thống sẽ được thể hiện từ đầu tới thắt lưng, nhưng do thiếu kinh phí nên nhà điêu khắc chỉ tạc được có phần đầu. Tuy thế cuối cùng tổng chi phí cho công trình này cũng lên đến 989.992 USD.
Cùng với thời gian, quần thể tượng đài bất hủ này được những người ngưỡng mộ coi là “biểu tượng của mọi biểu tượng” ở nước Mỹ. Từ xa hơn 100km vẫn có thể nhìn rõ hình 4 vị tổng thống lừng danh, những vĩ nhân tượng trưng cho các tính chất tiêu biểu cấu thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ như đấu tranh giành độc lập (G. Washington), vì nền dân chủ (T. Jefferson), mở mang kinh tế và bảo tồn môi trường thiên nhiên (T. Roosevelt) và bãi bỏ chế độ nô lệ (A. Lincoln).
INDEC
(nguồn: báo ANTG)
(nguồn: báo ANTG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.