Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao:
Bài cuối: Cần “4 nhà” cùng dấn thân
VOV.VN - Giải pháp bao trùm để phát triển bền vững nông nghiệp công nghệ cao là cả “4 nhà” cùng dấn thân tỉnh táo và có trách nhiệm.
Các bài viết trước chúng tôi đã phân tích chỉ ra rằng, làm nông nghiệp công nghệ cao là xu thế của nông nghiệp thế giới. Cách làm này cũng đang mang lại hiệu quả thiết thực cho nông nghiệp Việt Nam. Nhưng không vì thế mà phát triển ồ ạt theo phong trào. Hơn nữa, thực tiễn có hàng loạt vấn đề về thể chế chính sách, nguồn lực đang cản trở sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Cho nên, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và bền vững nông nghiệp công nghệ cao thì cần những giải pháp căn cơ.
Ứng dụng công nghệ cao giúp gia tăng năng suất, tiết kiệm nhân lực và tăng hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp. |
Cần chính sách đột phá, không áp đặt
Thị trường được xác định là mục tiêu tối thượng để người làm NNCNC hướng đến phục vụ. Bản thân khái niệm “thị trường” cần được hiểu nó bao hàm yếu tố nội sinh và ngoại sinh của nền sản xuất. Các yếu tố nội sinh (là nhân lực và vật lực và phương pháp tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm) phụ thuộc vào năng lực chủ quan nhà sản xuất; còn yếu tố ngoại sinh là các tác nhân bên ngoài (môi trường kinh tế vĩ mô, cạnh tranh thương mại quốc tế, nhu cầu của thế giới...), nó không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể nền sản xuất.
Trong phạm vi một nền sản xuất quốc gia, Nhà nước [là 1 trong “4 nhà” (gồm nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học) đóng vai trò quyết định thành bại của NNCNC] có thể kiến tạo các chính sách kinh tế vĩ mô và vi mô để tối ưu hóa năng lực nội sinh, giúp nội sinh tương tác hài hòa với ngoại sinh nhằm tận dụng thời cơ, phát huy lợi thế nhằm gia tăng hiệu quả, tránh rủi ro.
Vậy nên, để phát triển bền vững NNCNC, tăng cường năng lực chính sách phải được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì rằng, một nền sản xuất có ý thức, có trách nhiệm cần được định hướng bài bản bằng chính sách vĩ mô của nhà nước. Tại nước ta, nhiều chính sách đang được thực thi nhằm thúc đẩy phát triển NNCNC nhưng còn bất cập. Điều này gây ra những điểm nghẽn (như đã đề cập về nguồn vốn, đất đai, nhân lực, thị trường...).
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho rằng, “chính sách đất đai hết sức quan trọng, nó gắn với chính sách lao động, nông nghiệp gắn với công nghiệp. Nhưng ở nước ta, chính sách thường đi sau thực tế một bậc khá xa, gây ra những khoảng gọi là lỡ nhịp, mỗi nhịp như thế nó cản trở sản xuất, làm ảnh hưởng đời sống của người dân và đặc biệt là làm chậm lại quá trình tăng trưởng của đất nước”.
Thực tế nhiều doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng than vãn chính sách đất đai bất cập, đơn cử như quy định về hạn điền, gây cản trở tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn. Trong bối cảnh đó, một số địa phương (Lâm Đồng, Hà Nam, Thái Bình) đã có những cách làm sáng tạo để tạo quỹ đất tập trung cho làm NNCNC. Tất cả đều có chung kết quả là lượng lớn đất nông nghiệp của các nông hộ riêng lẻ đã được tích tụ tập trung lại và chuyển sang cho doanh nghiệp thuê sử dụng. Cách làm này trước mắt đáp ứng phần nào nhu cầu mặt bằng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Và nhất là trong bối cảnh mấy năm gần đây nhiều hộ dân ở nhiều địa phương đã “chán ruộng, bỏ ruộng” vì lợi nhuận làm ruộng đem lại quá thấp, khi đó việc cho doanh nghiệp thuê đất được nhiều người đồng thuận.
Nhưng nhìn từ phương diện sinh kế lâu dài cho người nông dân, nhiều chuyên gia lại băn khoăn. TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, “có nhiều chính quyền địa phương đã đứng ra vận động gom đất của nông dân cho doanh nghiệp thuê. Nếu làm tốt thì người dân được bảo vệ, còn làm không tốt, không công bằng thì phần thiệt, bất lợi sẽ về người dân”.
Về điểm này, TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, “khi tích tụ đất đai, nếu không cân nhắc, kiểm soát kỹ, vì lợi ích doanh nghiệp mà thỏa thuận không có tính dài hạn thì đến một lúc nào đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa nông dân và doanh nghiệp. Khi đó, nhà nước gỡ hậu quả này là rất khó”.
Tích tụ ruộng đất là việc cần thiết để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nhưng cần tránh tình trạng vì lợi ích trước mắt, cục bộ địa phương mà tùy tiện tích tụ, xé rào luật pháp gây xung đột đến phát triển bền vững nội ngành, tác động sang các ngành khác và phát triển quốc gia. Việc tích tụ ruộng đất phục vụ NNCNC phải là chiến lược của quốc gia, cần phải phù hợp chiến lược và quy hoạch chung tổng thể của nền sản xuất. Tất nhiên, chính sách có thể định hướng nhưng không được tạo ra sự áp đặt sản xuất. Tất cả phải theo tín hiệu của thị trường một cách có căn cứ khoa học và thực tiễn, TS. Phạm S nêu rõ.
Do đó, chính sách đất đai cần được nghiên cứu điều chỉnh sao cho có đột phá để vừa tạo điều kiện tích tụ ruộng đất hợp lý, vừa tránh rủi ro. Sự đột phá đó phải đặt chính sách đất đai trong liên kết với chính sách lao động việc làm, chính sách thương mại, chính sách đầu tư... và nhằm “hoàn thiện cơ sở pháp lý về ruộng đất để cho các hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ. Quy định rõ, đầy đủ các quyền sử dụng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê, góp vốn...”, như ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) đề xuất.
Công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm
Thực tế đầy triển vọng là phát triển NNCNC mang lại nhiều lợi ích, là xu thế chung của thế giới, là nhu cầu chính đáng của một nền nông nghiệp tiên tiến và bắt nhịp cùng xu thế. Nói như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì “nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao là một quá trình tất yếu, chúng ta không thể bỏ lỡ chuyến tàu này được. Tất nhiên, rào cản còn nhiều, thách thức còn lớn nhưng tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được, nhiều mô hình thành công đã chỉ ra điều đó”.
Để không lỡ chuyến tàu này và lên tàu là phải đến đích thì chúng tôi cho rằng, cả “4 nhà” đều phải dấn thân một cách tỉnh táo. Trong đó, Nhà nước có trách nhiệm xác định các điểm nghẽn và xử lý kịp thời bằng chính sách là đương nhiên. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi nhân tố trong nền sản xuất nông nghiệp cùng dàn hàng ngang làm NNCNC, mà phải tùy điều kiện đặc thù địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lực... của mỗi địa phương, vùng miền.
Với kinh nghiệm thành công làm NNCNC tại châu Âu, chuyên gia nông nghiệp Chris Schmiz (là người Đức, đang làm Giám đốc nông trại tại Ba Lan) góp ý rằng, Việt Nam là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, trong đó có NNCNC.
"Việt Nam có thể tận dụng lao động giá rẻ kết hợp với kỹ thuật cao trong nông nghiệp, đây chính là chìa khóa để thành công. Việc lựa chọn phát triển sản phẩm nào cũng rất quan trọng. Và cần ứng dụng công nghệ cao trong cả các khâu sản xuất, chế biến, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm", ông Chris Schmiz gợi ý.
Theo Tiến sĩ Phạm S, “mỗi địa phương, vùng miền khi lựa chọn cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh, phải từ hiện trạng sản xuất, định rõ mục tiêu lộ trình 5 năm, 10 năm, 15 năm... và theo xu hướng hội nhập quốc tế; đồng thời xác định công nghệ hiện tại và dự báo công nghệ tương lai để lựa chọn công nghệ”.
Với quan điểm đó, tỉnh Lâm Đồng đã thành công. Và làm nông nghiệp công nghệ cao, năng suất có thể cao hơn 40 - 80% cách làm thông thường. Nếu không có thông tin để dự báo được nhu cầu thị trường tiêu thụ thì phát triển sản xuất rất dễ dẫn đến bội thực nguồn cung và bế tắc, xung đột đầu ra.
Sản phẩm của Dalat Hasfarm được bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc (Trong ảnh: Hoa, cây cảnh bonsai mini của trang trại Hasfarm bán tại Trung tâm thương mại AEON ở Gia Lâm, Hà Nội. |
Với nhận thức đó, Nhà nước phải tỉnh táo, khi kiến tạo chính sách NNCNC phải xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu dự báo về phát triển khoa học công nghệ, nhu cầu thị trường, mức độ cạnh tranh thương mại nông sản, năng lực thực thi chính sách của người dân... Vì chính sách có tác dụng định hướng sản xuất nên nếu chính sách được xây dựng thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn, chậm đổi mới hoặc đổi mới quá nhanh cũng đều gây tác động tiêu cực đến sản xuất. Đơn cử, giả định hiện nay hô hào làm NNCNC, ồ ạt cho mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất. Nhưng nếu nhà nước không có thông tin định hướng quy hoạch và quy hoạch chi tiết cho sản xuất sẽ dẫn đến hỗn loạn sản xuất, lại sẽ trả giá đắt cho bệnh phong trào.
Đồng thời, Nhà nước phải xây dựng và minh bạch, công khai được các tiêu chí về doanh nghiệp NNCNC, sản phẩm NNCNC để làm công cụ giám sát quá trình thực thi chính sách và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Tránh tình trạng ồ ạt khởi công dự án NNCNC nhưng lại cung ứng ra thị trường hàng loạt sản phẩm chất lượng thấp, hoặc hàng bẩn trà trộn “đội lốt” hàng sạch. Muốn làm tốt việc này, theo chuyên gia nông nghiệp Chris Schmiz, “Việt Nam cần phải có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn để đánh giá chất lượng sản phẩm, từ đó nông dân định hướng được cách thức sản xuất đạt chuẩn. Phải có các chứng chỉ rõ ràng. Trong nền NNCNC, sẽ không kiếm được tiền nếu không có chứng nhận chất lượng, quy trình sản xuất sản phẩm”.
Gia tăng hàm lượng khoa học
Trong báo cáo chuyên đề về “Chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam - Tăng giá trị giảm đầu vào” công bố cuối năm 2016, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị: “Trong thời gian tới, nông nghiệp Việt Nam cần ‘tăng giá trị, giảm đầu vào’, nghĩa là phải tạo thêm giá trị kinh tế - nâng cao phúc lợi của người tiêu dùng và nông dân – nhưng sử dụng ít tài nguyên và nhân lực, đồng thời không gây suy thoái môi trường. Ngành nông nghiệp cần phải tự mình thay đổi hình ảnh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở đổi mới sáng tạo, cung ứng ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.”
Khuyến nghị này rất đáng lưu tâm, nhất là với định hướng phát triển NNCNC. Nhưng muốn “tăng giá trị, giảm đầu vào”, chắc chắn cần góp sức của đội ngũ nhà khoa học. Họ phải tham gia một cách chủ động và tích cực vào việc thúc đẩy phát triển NNCNC. Bởi không có NNCNC nếu không có thành tựu khoa học công nghệ (dù là sáng tạo ra hay tiếp nhận và chuyển giao sự sáng tạo). Không thể có sự bắt đầu làm NNCNC nếu chưa có nhà khoa học làm “người gác cổng” về công nghệ, là cầu nối trọng tâm trong giới thiệu, chuyển giao các giải pháp công nghệ, máy móc thiết bị (bất kể từ nguồn trong hay ngoài nước) tới đối tượng sử dụng.
Và nhà khoa học phải có trách nhiệm tư vấn, phản biện kịp thời giúp chính phủ, bộ ngành và các địa phương, doanh nghiệp... tìm ra công nghệ tốt, phù hợp điều kiện mỗi địa phương, ngành hàng để tiếp cận ứng dụng; cảnh báo, ngăn chặn kịp thời những giải pháp công nghệ không phù hợp, những định hướng sản xuất và phân phối không hiệu quả.
Do đó, Nhà nước cần có cơ chế cụ thể để động viên khích lệ các tổ chức khoa học công nghệ đổi mới nghiên cứu, chuyển giao kết quả vào sản xuất theo hướng “thị trường hóa” phục vụ phát triển NNCNC. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thành lập trung tâm, viện nghiên cứu để dần thị trường hóa sản phẩm nghiên cứu phục vụ sản xuất. Cách làm này giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, giúp nông dân nâng cao thu nhập và nhà khoa học có động lực để nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ cao.
Nâng cao chất lượng nhân lực, cải thiện cuộc sống người dân
Thị trường vừa là điểm xuất phát đầu vào đầu tư sản xuất vừa là đầu ra sản phẩm sau sản xuất. Hạt nhân của thị trường chính là mỗi người dân, là cộng đồng xã hội. Cho nên, đáp ứng nhu cầu thị trường thực chất là đáp ứng nhu cầu của người dân. Do vậy, mỗi người tham gia vào NNCNC đều phải được giáo dục nhận thức và hành động trong tâm thế vừa là chủ thể sáng tạo nhưng đồng thời là người thụ hưởng sản phẩm. Vì vậy, phải không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng cuộc sống khách hàng và chính mình.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Wantanabe Yasuo, Chuyên gia tư vấn chính sách nông nghiệp của JICA, tư vấn rằng, “khi làm nông nghiệp thông minh, chúng tôi luôn nỗ lực tạo cảm giác an toàn và tin tưởng cho người tiêu dùng sản phẩm. Nó được thể hiện cả trong nỗ lực trình bày thông tin liên quan đến nông sản để tăng cường sự tin cậy của người tiêu dùng. Chúng tôi nhận ra những nỗ lực đó sẽ làm tăng giá trị của sản phầm, cơ hội bán hàng.”
Còn chuyên gia Chris Schmiz lưu ý: “Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc kiểm định chất lượng sản phẩm rất quan trọng. Cần phải có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn để đánh giá chất lượng sản phẩm, từ đó nông dân định hướng được cách thức sản xuất của họ. Phải có các chứng chỉ rõ ràng. Cho nên, trong nền nông nghiệp công nghệ cao, sẽ không kiếm được tiền nếu không có chứng nhận chất lượng, quy trình sản xuất sản phẩm.”
Đặc biệt, yếu tố then chốt quyết định mọi hoạt động NNCNC chính là nhân lực. Cả “4 nhà” đều cần nhân lực đủ chất lượng đáp ứng được nhu cầu phát triển. Các chuyên gia đều khuyến nghị, Chính phủ phải có chiến lược và thực hiện một cách hiệu quả thiết thực việc đào tạo và bồi dưỡng nhân lực phục vụ NNCNC theo những chuẩn nhất định và có tính quốc tế hóa. Bản thân mỗi thành viên tham gia làm NNCNC phải tự nâng cấp trình độ của mình để gia tăng hiệu quả lao động./.
Cùng loạt bài: Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.