Tái cơ cấu nông nghiệp: Cần đột phá về chính sách đất đai
VOV.VN -Phải có đột phá về chính sách đất đai để tích tụ đất vào những người sản xuất kinh doanh giỏi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Vướng mắc trong thu hút doanh nghiệp đang là rào cản trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sau 3 năm triển khai, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 1% trên tổng số doanh nghiệp trên cả nước.
Năm 2013, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đặt ra và đến nay ngày càng cấp thiết. Thời điểm đó, khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi là chất lượng con giống, và đến nay đã có 25% giống chất lượng cao, tiên tiến của thế giới được các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng trong nước. Sự tham gia của các Tập đoàn lớn như: Hoàng Anh Gia Lai, Dabaco, VinGroup…đã góp phần hình thành nên những chuỗi giá trị lớn trong sản xuất.
Cần phải có những đột phá về chính sách đất đai để tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, việc có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ tạo ra những thương hiệu mạnh để nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay là rất cần thiết.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề xuất, cần tiếp tục nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp, bởi đây là khâu quan trọng nhất trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Hiện nay chỉ cần 10 doanh nghiệp lớn cung ứng về giống có thể điều hành toàn bộ ngành chăn nuôi cả nước.
Bên cạnh việc thu hút thêm các doanh nghiệp, Tập đoàn mạnh đầu tư các chuỗi giá trị trong sản xuất, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, trong quá trình tổ chức lại sản xuất phải hình thành các vùng chuyên canh tương ứng với quy mô đầu tư của các doanh nghiệp. Đặc biệt, phải có những đột phá về chính sách đất đai đang là vướng mắc lớn nhất hiện nay, để tích tụ ruộng đất tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư.
“Phải có đột phá về chính sách đất đai để tích tụ đất vào những người sản xuất kinh doanh giỏi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời đất đai trong nông nghiệp phải sử dụng linh hoạt theo tín hiệu của thị trường, không phụ thuộc quá nhiều vào đất lúa mà có thể chuyển sang các cây trồng giá trị kinh tế cao và thủy sản về lâu dài không ảnh hưởng đến an ninh lương thực có như thế mới xây dựng được những vùng chuyên canh và thu hút doanh nghiệp đầu tư”, ông Đặng Kim Sơn chỉ rõ.
Xác định doanh nghiệp vừa là “hạt nhân” vừa là động lực trong thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương hình thành trục phát triển những mặt hàng nông sản ở cấp độ quốc gia, địa phương và cấp tỉnh, tương ứng với các cấp độ này sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia.
Theo đó, ở cấp quốc gia, ngành sẽ phối hợp với các địa phương lựa chọn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, qua đó thu hút doanh nghiệp, Tập đoàn lớn đầu tư xây dựng thương hiệu quốc gia cho những sản phẩm này. Đối với cấp độ địa phương sẽ lựa chọn theo những sản phẩm có lợi thế theo vùng miền, và cuối cùng là sản phẩm cấp tỉnh sẽ được đa dạng hóa để thu hút doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đầu tư.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc ngành thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020, trong đó nông nghiệp được coi là còn nhiều “dư địa” để phát triển.
“Bộ sẽ tham mưu đề xuất xây dựng khung chính sách với các cấp độ khác nhau để thúc đẩy sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng chế tài quản lý, ngoài chính sách khuyến khích phải cụ thể chế tài để tổ chức đồng bộ từ khâu thực hiện quy hoạch, giám sát khâu đầu vào, trong quá trình sản xuất cho đến vấn đề thương mại”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Sau 3 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”, đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án, hoặc kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Bình quân thu nhập hộ nông dân tăng từ 73,2 triệu đồng vào năm 2012 đã tăng lên 97,6 triệu đồng trong năm 2015./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.