Hàn Quốc du ký - Bài 4: Ulsan, thành phố công nghiệp lớn và "đại gia" Hyundai
Cập nhật lúc 08:15, Thứ Sáu, 05/10/2012 (GMT+7)
(QBĐT) - Sau khi khám phá văn hóa Gyeongju, các đồng nghiệp báo chí Hàn Quốc tiếp tục dẫn chúng tôi đi xuống phía nam, tới thành phố Ulsan, một thành phố trung tâm công nghiệp của Hàn Quốc, nơi có nhiều tập đoàn kinh tế nổi tiếng. Một trong các "đại gia" đó là Tập đoàn Hyundai nổi danh với ngành công nghiệp đóng tàu thủy.
Ulsan-thành phố công nghiệp lớn và có nhiều kỳ quan:
Ulsan là một thành phố nằm ở phía đông nam Hàn Quốc, giáp mặt với biển Nhật Bản và nằm cách 70km về phía bắc của Busan. Từ "San" phiên âm tiếng Hàn Quốc có nghĩa là núi. Busan, Ulsan là những địa danh nằm trong các thung lũng, giữa những ngọn núi. Được biết, Ulsan là thành phố kết nghĩa với tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam từ năm 2002. Thành phố này có một khu vực công nghiệp lớn của Hàn Quốc gọi là Khu công nghiệp Ulsan. Là một trong 7 thành phố lớn nhất của Hàn Quốc với dân số hơn 1,1 triệu người, Ulsan được cả thế giới biết đến với ngành công nghiệp đóng tàu, ô tô, công nghệ điện tử. Ở bất cứ nơi đâu, không chỉ riêng Hàn Quốc, bạn đều có thể nghe đến những thương hiệu nổi tiếng như Huyndai, SK,... Từ năm 2008, Ulsan đã có GDP bình quân đầu người 63.817 USD.
Các đồng nghiệp Hàn Quốc cho chúng tôi hay, ngoài nền công nghiệp phát triển mạnh, Ulsan còn hấp dẫn bởi vẻ đẹp hùng vĩ với 12 kỳ quan thiên nhiên mang đậm tính truyền thống Hàn Quốc làm mê mẩn bất cứ ai đã từng một lần đặt chân qua. Đó là biển đá cuội Jujeon ở Gandong. Đây là bãi biển nằm trong khu vực nước sạch biển Đông. Với những viên sỏi đen trải mình dưới các con sóng bạc đầu, biển Jujeon đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng du khách. Đó là rừng thông Songlim ở mỏm đá Daewangam.
Một khu phố ở Busan, thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc |
Mỏm đá Daewangam được nối với đất liền bằng một cây cầu sắt. Theo truyền thuyết, nữ hoàng Munmu thuộc triều đại Silla đã hóa thân thành một con rồng và lặn xuống biển để bảo vệ đất nước. Đó là thung lũng đá Naewonam ở núi Daeunsan.Thung lũng Naewonam trên núi Daeunsan nổi tiếng sâu hun hút với nhiều cảnh đẹp rực rỡ như ao hồ, thác nước, vách đá... Đó còn là thác nước Paraeso.
Với độ cao 15 mét, thác nước đổ xuống bờ hồ bên dưới tung bọt trắng xóa tạo nên một cảnh sắc thật hùng vĩ. Không thua kém thung lũng Naewonam, thung lũng Baenaegol nằm lọt thỏm trong khu rừng nguyên sinh khiến du khách không khỏi trầm trồ vì sự hoang dại của nó. Theo truyền thuyết, thung lũng này vốn dĩ là một cái hồ rộng 100m, sâu không thấy đáy.
Ulsan còn nổi tiếng bởi kỳ quan tranh đá ở Cheonjeon-ri. Tranh đá được phát hiện vào tháng 12 năm 1970. Dọc theo dòng suối Deagokcheon, người ta đã tìm được nhiều bức tranh đá chạm khắc tinh xảo liên quan đến hình học không gian, các số liệu về con người và động vật, thông qua sự miêu tả rất trừu tượng. Chẳng hạn như buổi diễu hành của đoàn kỵ binh được minh họa bằng những dấu chấm nối liền với đường thẳng, những chú chim, con rồng, tàu bè và các chữ cổ thời Silla.
Ở Ulsan còn có các bảo tàng nổi tiếng như Bảo tàng cá voi Jangsaengpo, Bảo tàng tranh đá Ulsan, Bảo tàng Ulsan và Đại công viên Ulsan, Khu thể thao Ulsan... Mới thấy Ulsan là thành phố trung tâm công nghiệp nhưng lại không kém phần thơ mộng !
Ngành công nghiệp đóng tàu đứng đầu thế giới và "Đại gia" Hyundai:
Góp phần quan trọng nâng con tàu kinh tế Hàn Quốc cất cánh, không thể không nói đến một ngành công nghiệp "xương sống"- đó là ngành đóng tàu. Thuở ban đầu, Tập đoàn Huyndai đã mạnh dạn đóng vai trò dẫn đầu, khai phá và đặt nền móng cho ngành đóng tàu Hàn Quốc phát triển. Đến nay, các công ty đóng tàu Hàn Quốc hiện đang đóng những con tàu 300.000 tấn, một bước tiến nhảy vọt, so với các con tàu trọng tải 2.600 tấn được đóng khi ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc mới bắt đầu hình thành vào những năm 1960. Năm 1993, lần đầu tiên Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất tàu lớn nhất trên thế giới, vượt qua cả Nhật Bản. Nhiều năm liên tục, Hàn Quốc dẫn đầu về lượng đơn đặt hàng đóng tàu với 44% thị phần thế giới. Ngành đóng tàu Hàn Quốc có tính cạnh tranh mạnh mẽ do các hãng đóng tàu hoạt động có hiệu quả, công nghệ đạt trình độ cao, đi kèm với những lợi thế rõ ràng của họ về cảng biển và thềm lục địa. Các công ty của Hàn Quốc rất thành thạo trong việc đóng các tàu lớn chất lượng cao, như các tàu chở container, tàu chở dầu thô và khí ga thiên nhiên hóa lỏng. Huyndai Heavy Industries, Samsung Heavy và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn Quốc hiện là 3 tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới.
Hàn Quốc có số đơn hàng đóng tàu mới đạt kỷ lục vào năm 2000 là 10,5 triệu DWT (DWT là đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn). Trong số này tàu chở dầu chiếm gần 50%, tiếp sau là tàu chở container, tàu chở khí đốt hóa lỏng và hóa chất khác. Quốc gia này có 58 nhà máy đóng tàu thuộc Hiệp hội Hợp tác đóng tàu Hàn Quốc.
Nhà máy đóng tàu Hyundai thuộc Tập đoàn Hyundai Heavy Industries (HHI), nằm ở thành phố Ulsan, cách thành phố Busan khoảng 100 km. Cơ ngơi của Tập đoàn Hyundai nằm ở vùng ven biển. Nhà máy đóng tàu Hyundai được thành lập năm 1972 và là nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới hiện nay. Thăm bảo tàng Hyundai ở văn phòng Tập đoàn, chúng tôi được nghe giới thiệu về ông Chung Ju Yung, người sáng lập ra Tập đoàn Hyundai và được xem những bức ảnh, hiện vật minh chứng cho một thời kỳ gian khó từ ngày đầu thành lập. Với ý chí và nội lực của con người Hàn Quốc, ông Chung Ju Yung và Tập đoàn Hyundai đã làm nên kỳ tích, trở thành Tập đoàn đóng tàu số một thế giới.
Khu đóng tàu biển của Tập đoàn Hyundai |
Thực ra, cái tên Hyundai đã xuất hiện từ trước đó khá lâu. Từ năm 1947, ông Chung Ju Yung đã thành lập Hyundai Engineering & Construction Company. Khởi đầu của Tập đoàn Hyundai là lĩnh vực hoạt động trong ngành xây dựng, một ngành mà lúc đó đang rất cần để củng cố lại đất nước sau chiến tranh thế giới thứ 2. Sau đó đến năm 1958, Hyundai thành lập thêm công ty Keumkang sản xuất vật liệu xây dựng và năm 1967 Hyundai tiến vào lĩnh vực chế tạo ô tô. Năm 1972, ông Chung Ju Yung quyết định sẽ đóng tàu biển và đã tiến hành làm lễ khởi công nhà máy đóng tàu trên mảnh đất một làng chài dài 4 km dọc theo bờ biển của của vịnh Mipo, thành phố Ulsan. Năm 1973 thành lập Công ty Hyundai Shipbuilding và năm 1978, Hyundai Shipbuilding đổi tên thành Hyundai Heavy Industries (HHI). Bước vào lĩnh vực đóng tàu, Hyundai hướng tới vị trí thứ 2 thế giới, sau Nhật Bản.
Để xây dựng được nhà máy đóng tàu Ulsan, ông Chung Ju Yung đã phải lặn lội sang châu Âu, gõ cửa các công ty và thuyết phục ngân hàng Barclays của Anh cho vay vốn. Dựa vào niềm tin, công ty Livanos, một chủ tàu nổi tiếng của Hy Lạp đã đặt Hyundai đóng 2 tàu chở dầu có trọng tải mỗi chiếc là 260.000 DWT ngay trong khi nhà máy chưa được xây dựng. Chính hợp đồng đóng tàu này đã giúp cho Hyundai thuyết phục được ngân hàng Barclays của Anh cho vay 80 triệu USD để xây dựng nhà máy. Hai năm sau đó, vào năm 1974, những chiếc tàu chở dầu này đã được hạ thủy và bàn giao đúng thời hạn. Từ đó, uy tín của Hyundai được nâng dần lên, chủ tàu các nước dần dần biết đến và mười năm sau, vào năm 1984, sản lượng đóng tàu của Hyundai đã đạt 10 triệu DWT. Năm 1983, Hyundai thành lập Viện nghiên cứu hàng hải, năm 1986 bắt đầu đóng các loại tàu chở khí cho Na Uy, đóng các dàn khoan biển nửa chìm nửa nổi và các loại tàu hỗn hợp chở container và hành khách...
Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi tham quan nhà máy đóng tàu Hyundai. Khách tham quan nhà máy chỉ được phép ngồi trên ô tô đi một vòng, không được dừng lại. Lướt qua mắt chúng tôi là những dàn cần cẩu to lớn, những ụ tàu trong đó đang có những chiếc tàu đang đóng. Điều rất đặc biệt ở nhà máy này là mỗi năm đóng từ 90 đến 100 chiếc tàu trọng tải lớn. Trừ thời gian nghỉ phép, nghỉ lễ, tết... của công nhân thì cứ hai ngày nhà máy đóng hoàn thành một chiếc tàu. Quả là không thể nào tưởng tượng nổi kỳ tích này!
Hyundai Heavy Industries (HHI) ngày nay có 6 lĩnh vực hoạt động chính là: Đóng tàu; Kỹ thuật ngoài khơi; Chế tạo máy; Các hệ thống điện; Các nhà máy công nghiệp; Các thiết bị xây dựng. "Đại gia" Hyundai đang nỗ lực hết sức nhằm bắt kịp sự năng động và sự biến đổi nhanh chóng của môi trường trong thế kỷ 21 và phát triển thành Tập đoàn công nghiệp nặng tổng hợp có trang bị đầy đủ các kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới.
Được biết, từ ngày 13 đến 16 tháng 11 sắp tới, Hàn Quốc sẽ tổ chức triễn lãm công nghệ hàng hải năm 2012 tại tỉnh Gyeongsangnam với hơn 580 công ty đóng tàu bao gồm các nhà máy đóng tàu hàng đầu ngành công nghiệp tàu biển của thế giới tham gia. Đây là cơ hội giao thương, xúc tiến thương mại giữa các công ty và tập đoàn thế giới.
Rời thành phố Ulsan và "Đại gia" Hyundai, chúng tôi xuôi về Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, sau Seoul. Thành phố này được biết đến là một trong những hải cảng lớn nhất thế giới và lưu thông tới 13,2 triệu TEU côngtenơ hàng hóa mỗi năm và là một trung tâm thương mại sầm uất. Busan cũng là thành phố có rất nhiều điểm du lịch kỳ thú, còn được mênh danh là thành phố của cây hoa Trà, thành phố của loài chim biển seagull. Vì thời gian không còn cho phép, chúng tôi chỉ kịp ngồi trên xe ô tô dạo một vòng qua cầu lớn Gwangan, cây cầu tuyệt đẹp ở Busan, và tiếc nuối chia tay đất nước có nền kinh tế phát triển năng động cùng nhiều điểm du lịch kỳ thú này.
Hữu Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.