Powered By Blogger

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

Cửa biển Thần phù xưa và nay

Cửa biển Thần phù xưa và nay

Dấu tích trên cửa biển Thần Phù ngày nay. Ảnh: Vũ Đức Phương

Cửa biển Thần phù xưa

Phía đông nam của tỉnh Ninh Bình xa xưa là biển cả. Tại đây có cửa biển gọi là Thần Đầu. Biết tên “Thần Đầu” vì Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) là danh sĩ thời Trần có bài thơ: “Chiều hôm đậu thuyền ở cửa biển Thần Đầu” (Thần Đầu cảng khẩu vãn bạc) và ngọn núi nhô ra biển cũng gọi là núi Thần Đầu. “Đầu” có nghĩa là ném hoặc có nghĩa là cái đầu.

Ở đây còn có loại cá Thần Đầu giống hình người, đầu cá không có vẩy, có đuôi. Như thế cửa biển ở phía đông nam tỉnh Ninh Bình xa xưa được gọi là Thần Đầu từ thời Trần. Đến thế kỷ XV, gọi là Thần Phù.

Nguyễn Trãi là nhà văn hoá lớn của dân tộc thời Lê đã viết bài thơ “Thần Phù hải khẩu” (Cửa biển Thần Phù). Từ đó về sau, cửa biển này đều gọi là Thần Phù. Đây là mảnh đất tận cùng phía nam của tỉnh Ninh Bình, ngày nay thuộc xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.


Thời xưa đất này thuộc xã Thần Đầu, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, đến năm 1838, đời Minh Mạng thứ 19, xã Thần Phù sát nhập vào huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đây vốn là vùng biển dữ dội, nguy hiểm, vì có những ngọn núi đá ăn ra biển có những mỏm ngầm sắc nhọn, lại có sóng dữ, gió to, thuyền bè qua dễ bị đánh chìm. Nên từ ngàn xưa muốn đi vào Nam qua vùng biển này, thuyền phải đi vòng ra xa, rồi vòng trở lại mới vào Nam được. Người dân ở quanh cửa biển Thần Phù xưa và nay là đất xã Yên Lâm còn lưu truyền câu ca dao:

“Lênh đênh qua cửa Thần Phù
  Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.

Điều đó thể hiện cửa biển Thần Phù là một vị trí quân sự mang tính chiến lược, cực kỳ quan trọng ở thời xa xưa. Các vua chúa đi vào Nam chinh phạt đều phải qua cửa biển Thần Phù.

Thời nhà Đinh, Tiền Lê, cửa biển Thần Phù là cửa ngõ biển bảo vệ Kinh đô Hoa Lư ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư ngày nay. Các triều đình phong kiến cử đội quân đi chinh phạt các thế lực ngoại xâm ở phía Nam bằng đường thuỷ đều phải đi qua cửa biển Thần Phù. Vì cửa biển Thần Phù có sóng to, gió dữ nên từ thế kỷ thứ 10, phản thần nhà Đinh là Ngô Nhật Khánh khi dẫn chúa Chiêm ra đánh Hoa Lư đã bị chết đuối ở đây.

Thời nhà Lý, vua Lý Thái Tông (1028-1054) đem quân đi đánh nước Chiêm Thành, đi đến cửa biển Thần Phù gặp sóng to, gió lớn, đoàn thuyền không thể vượt qua được, nhà vua phải thân chinh đến đền thờ La Viện (đền thờ áp Lãng Chân Nhân) cầu khấn, ngày hôm sau, tự nhiên gió lặng, biển yên, đoàn thuyền của nhà vua đi qua cửa biển Thần Phù yên ả, thuận tiện.

Thời nhà Hồ, Hồ Quý Ly sau khi truất ngôi vua của Trần Thiếu Đế, năm 1400 lên ngôi Hoàng đế, được gọi là Chương Hoàng lấy đá lấp ngã sông thông với cửa biển Thần Phù để chống quân Minh. Vì vậy, vua Lê Thánh Tông ở niên hiệu Hồng Đức, năm 1470, khi đi qua cửa biển Thần Phù, nghỉ lại ở đó đã viết bài thơ “Thần Phù hải môn lữ thứ” (Nghỉ lại ở cửa biển Thần Phù) trong đó có 2 câu luận nói về điều đó:

“Chương Hoàng chở đá lấp kín lòng sông

  La Viện cưỡi thuyền nhẹ nhàng đè sóng”.

Cửa biển Thần Phù có giá trị chiến lược quân sự, là cửa ngõ biển đi Nam về Bắc của nước ta ở thời phong kiến, nằm trên tuyến đường thuỷ hành quân Nam tiến của người Việt, đã chứng kiến các chiến công, chống ngoại xâm của dân tộc.

Không chỉ thế, cửa biển Thần Phù còn là cảm hứng cho các vị vua, danh sĩ thời xưa.

Đó là những bài thơ, có cả bút tích, ký ức của núi là “văn bia” đã có trong thơ của các tao nhân mặc khách – lưu truyền trường tồn cho các thế hệ mai sau, giữ hộ cho con người bao điều diệu kỳ về cửa biển Thần Phù. Mỗi bài thơ có một nét riêng toả sáng như một viên ngọc quý, với nhiều gam màu làm cho cửa biển Thần Phù còn sống mãi với thời gian. Có thể nói, cửa biển Thần Phù xưa là lịch sử, văn hoá và thơ.

Xã Yên Lâm ngày nay

Do cửa biển Thần Phù được phù sa bồi đắp, cũng như dải đất ven biển phía đông tỉnh Ninh Bình là vùng đất mở, đất màu mỡ, gần biển nên người dân ở các nơi, chủ yếu là dân Nam Định đã đến đây lập nghiệp làm nghề bắt cá và cấy lúa.

Năm 1471, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), ở niên hiệu Hồng Đức, Lê Niệm là quan Tư Mã quê Thanh Hoá đã đứng ra chỉ huy việc đắp đê Hồng Đức. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Đê cũ Hồng Đức: … từ bờ phía Bắc đến bờ phía Nam cửa Càn đê đắp đá. Từ bờ phía Bắc cửa Thần Phù đến bờ phía Nam sông Bồng Hải đắp đê đất, để ngăn nước mặn, gọi là đê Hồng Đức, nay vẫn còn”.

Sau khi có đê Hồng Đức, cư dân các nơi đến vùng đất trước đây là cửa biển Thần Phù rất đông nên được vua Lê Thánh Tông cho thành lập một xã, có tên là Thần Phù vào năm 1474, gồm 5 thôn: Nhâm Phẩm, Phù Sa, Anh Tốt, Mai Xá, Ngọc Lâm.


Xã Thần Phù cũng được gọi là tổng Thần Phù thuộc huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825), tổng Thần Phù nhập thêm thôn Ngọc Lâm, khi đó gồm 8 xã, thôn là: Thần Phù, Ngọc Lâm, Yên Lâm, Bình Sa, Đông Cao, Yên Tốt, Phù Sa, Nhân Phẩm, vẫn thuộc huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung.

Đến năm 1838, đời vua Minh Mạng thứ 19, tổng Thần Phù được cắt chuyển từ huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) về huyện Yên Mô, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tháng 01 năm 1946, tổng Thần Phù đổi thành xã Thanh Bình, tháng 7 năm 1956, xã Thanh Bình cũ đổi tên là xã Yên Lâm. Như thế tên xã là Yên Lâm, có từ năm 1956.

Hiện nay xã Yên Lâm (Cửa biển Thần Phù xưa), có 8 khu dân cư gồm: Xóm 1, xóm 2 thuộc thôn Ngọc Lâm, xóm 1, xóm 2 thôn Đông Yên, thôn Phù Sa, thôn Nhân Phẩm, thôn Đông Hoài, thôn Hảo Nho, nằm gọn ở phía Nam của huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, phía bắc giáp xã Yên Mạc, phía tây giáp xã Yên Thái, phía nam giáp xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, phía đông giáp xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, là xã Nông thôn mới, là xã “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ”.

Cơ sở hạ tầng không ngừng được củng cố, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng khởi sắc, ấm no, hạnh phúc, thanh bình. Đảng bộ và nhân dân xã Yên Lâm luôn tự hào với truyền thống vẻ vang, tiếp tục dựng xây quê hương giàu đẹp.

Di tích còn lại của cửa biển Thần Phù không chỉ có ở xã Yên Lâm, huyện Yên Mô mà còn ở cả Nga Điền và xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá gồm: Núi Thần Đầu vẫn đứng “Trơ gia cùng tuế nguyệt”, đền thờ áp Lãng Chân Nhân ở phía nam của núi thời xưa không còn do sóng biển tàn phá; Núi Thạch Bi thuộc thôn Tri Thiện, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, trên vách núi hiện vẫn còn một chữ “Thần” rất lớn bằng chữ Hán hướng ra phía biển, được chạm khắc từ thời xa xưa, đánh dấu nơi đây là cửa biển Thần Đầu gió to, sóng dữ, Thần áp Lãng Chân Nhân có tài dẹp yên sóng dữ; Tại thôn Chính Đại, xã Nga Điền vẫn còn ngôi chùa cổ mang tên Thần Phù; Tại xã Yên Lâm, huyện Yên Mô có đền Nhân Phẩm ở thôn Nhân Phẩm, đình Đông ở thôn Phù Sa, đình Yên Tốt ở thôn Đông Yên đều thờ áp Lãng Chân Nhân. Đình Đông đã được Nhà nước xếp hạng là “Di tích Lịch sử - Văn Hoá cấp Quốc gia”.

Lã Đăng Bật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.