Cây Lộc vừng
Cây Lộc vừng là loại cây tượng trưng cho sự thịnh vượng, bình an. Nó thuộc một trong bốn loài cây cảnh quý: sanh, sung, tùng, lộc nên rất thích hợp làm cây phong thủy, làm quà tặng cho các dịp tân gia, khai trương, khánh thành.
Cây Lộc vừng hay còn gọi là cây Lộc mừng là một loài thuộc chi Lộc vừng, là loài cây bản địa của các vùng đất ẩm ven biển Nam Á và Bắc Úc, từ Afghanistan đến Philippin và Queensland.
1. Giới thiệu chung về cây Lộc vừng
Cây Lộc vừng bên Hồ Gươm
– Tên phổ thông : Lộc vừng, Chiếc, Lộc mừng
– Tên khoa học: Barringtonia acutangula (L.) Gaertn
– Họ: Lecythidaceae (Lộc Vừng)
– Nguồn gốc: các nước Nam Á và Bắc Úc, từ Afghanistan đến Philippin và Queensland. Tại Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan
2. Đặc điểm của cây Lộc vừng
▼ Đặc điểm hình thái
Đặc điểm hình thái cây Lộc vừng
– Lộc vừng là loại cây thân gỗ trồng lâu năm có chiều cao dài nhất từ 15- 20m, đường kính thân cây 40 – 50cm.
– Thân cây non có màu xanh, thân già thì sần sùi có màu nâu xám. Vỏ cây nứt dọc hay bong mảng có hình chữ nhật, phần thịt vỏ phía trong màu đỏ hồng, nhiều sơ và dịch màu đỏ
– Cây có cành nhánh khá nhiều vì thế cây càng cao thì tán lá càng rộng
– Lá Lộc vừng là lá đơn, thuôn tròn hoặc hơi nhọn, màu xanh, nhẵn, mặt trên đậm hơn mặt dưới; viền lá gợn sóng, cuống ngắn, gân nổi rõ
– Hoa Lộc vừng nở thành từng chùm rũ dài như pháo Tép ngày Tết, mọc ở đầu cành, nụ xanh, hoa nhỏ, màu đỏ, có mùi thơm
– Quả màu vàng nâu, vỏ cứng, chia thành các khía
▼ Đặc điểm sinh lý, sinh thái
Đặc điểm sinh lý, sinh thái
– Cây có tốc độ sinh trưởng trung bình
– Phù hợp với đất phèn ngập nước
– Lộc vừng ưa nước nên dễ chăm sóc, hoa nở quanh năm. Cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần, nên đặt cây ở nơi thoáng đãng để cây phát triển điều ở cả 4 phía
– Là một trong 4 loại cây cảnh quý: sanh, sung, tùng , lộc
– Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, có mùa hoa nhiều, kéo dài tươi lâu, đẹp bền thì cần tuân thủ chặt chẽ một số biện pháp kỹ thuật về chọn cành giống, trồng ven bờ, tránh bóng râm che kín, không bón thúc bằng phân hóa học, nhất là phân đạm( kể cả nitơrat NO3-, sunphat…)
– Nếu trồng trong bồn, trong chậu nên bón bằng hỗn hợp NPK hữu cơ vi sinh dùng cho hoa cảnh với hàm lượng N nhỏ hơn 10%, trộn với bột xỉ than, rắc trên mặt cho ngấm tự nhiên
– Cây được phân bố rộng rãi khắp cả nước ta, khắp các vùng miền.
3. Tác dụng của Lộc vừng
Tác dụng của cây Lộc vừng là gì?
– Cây lộc vừng được trồng để lấy gỗ
– Là loại cây công trình được trồng ở nhiều vùng miền cho bóng mát, cảnh quan đẹp
– Cây Lộc vừng được uốn tạo thế nó thành một cây cảnh bonsai có giá trị kinh tế cao
– Dáng đẹp, tượng trưng cho sự thịnh vượng và bình an, rất thích hợp làm cây phong thủy, làm quà tặng các dịp đặc biệt như tân gia, khai trương, những cây nhỏ có thể dùng làm cây nội thất
– Ở một số nước khu vực Đông Nam Á, lá và đọt non được dùng nấu canh chua và ăn kèm với một số món cuốn
– Cây lộc vừng cũng có giá trị y dược: dùng để chữa tiêu chảy, hạ sốt
4. Kỹ thuật chiết và chăm sóc Lộc vừng
▼ Các bước chiết cây
Bước 1: Khoanh bóc vỏ cành Lộc Vừng (có độ dài vỏ gấp 1,5 – 1,8 lần đường kính của cành để tránh “dẫn thủy – liền sẹo” khó phát rễ trong bầu đất)
Bước 2: Cạo sạch tơ tại điểm khoanh vỏ cành Lộc Vừng (là mô phân sinh – tượng tầng) rồi để ráo nhựa sau 7 – 10 ngày sẽ hình thành mô “sẹo” kích thích tái sinh rễ mới
Bước 3: Bó bầu tại điểm khoanh cắt cành lộc vừng bằng đất bùn ao đã khuấy kỹ nhào trộn nhuyễn với rơm, trấu, rễ bèo tây đủ ẩm và không bị rời rạc khi ấp vào nơi chiết
Bước 4: Bọc bầu đất tại điểm chiết cành lộc vừng bằng giấy nilon trong và dai để dễ kiểm tra và không mất nước ở bầu đất
▼ Cách chăm sóc Lộc vừng
Cách chăm sóc cây Lộc vừng
Trồng Lộc vừng không quá khó nhưng chăm chút cho cây trở thành một cây khỏe mạnh, thế đẹp và cho hoa thường xuyên thì không dễ dàng
– Lộc vừng cần trồng ở đất tơi xốp, thoát nước tốt. Nếu trồng ở đất rễ cây sẽ phát triển rất sâu hút chất dinh dưỡng trong lòng đất bởi thế ta không cần phải tưới nước quá nhiều, còn trồng trong chậu thì nên tưới nước thường xuyên nhé
– Vị trí trồng cây cũng khá quan trọng, đây là cây ưa sáng nên cần được trồng ngoài trời để cây hấp thụ đủ ánh sáng cho quá trình quang hợp, trao đổi chất
– Nếu thấy có hiện tượng héo lá, cây không ra hoa hay cành chết, ta cần đảm bảo cây không bị úng nước và không sâu bệnh, nếu có hiện tượng sâu bệnh cần phải phun thuốc ngay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cảm ơn Quý vị đã góp ý cho trang web.