Mang thai là giai đoạn vô cùng đặc biệt của người phụ nữ, khi mang thai, bên cạnh niềm hành phúc được song hành cùng con trong tất cả các hoạt động hàng ngày, niềm hạnh phúc sắp được làm mẹ, các mẹ Bầu- đặc biệt là các mẹ trẻ luôn có rất nhiều lo lắng, không biết sẽ phải khám thai như thế nào?

Trong các quý của thai kỳ cần khám và theo dõi thai như thế nào? Chế độ dinh dưỡng sinh hoạt có gì đặc biệt không?. Bài viết này sẽ giúp các mẹ Bầu giải đáp các thắc mắc trên!

7Hmn3c_K0AyChPqxptoDNPnihRIRwYetMdDTPN5QOmXtrZz3xSUWdPJTkGJBuF_Ujp21z65CYwc7SaXwtTMIE9_tCfXhDg

1. Chăm sóc sức khỏe khi mang thai

1.1. Khám và quản lý thai


Trong quá trình mang thai, thai phụ cần được khám thai ít nhất là 3 lần vào 3 giai đoạn của thai kỳ và nên quản lý thai bởi các bác sỹ sản khoa tại các cơ sở y tế.

  • Khám thai trong 3 tháng đầu

Mục đích: Xác định có thai, phát hiện bất thường thai ở giai đoạn sớm và các vấn đề sức khỏe của mẹ, bắt đầu theo dõi cân nặng, tư vấn dinh dưỡng.

Các nội dung cần khám: Khám sức khỏe tổng quát, sức khỏe sinh sản của mẹ, làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm thai.

Tư vấn dinh dưỡng: Cần cân kiểm tra, ghi lại để theo dõi cân nặng thường xuyên. Bổ sung thêm vitamin, khoáng chất: đặc biệt là sắt, a. folic, canxi…

  • Khám thai trong 3 tháng giữa

Mục đích: Theo dõi sự phát triển và phát hiện các bất thường của thai nhi.

Các nội dung cần khám: Khám sức khỏe mẹ, làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm thai định kỳ.

Tư vấn dinh dưỡng: Theo dõi phát triển cân nặng của mẹ, tiếp tục sử dụng viên bổ sung sắt/acid folic, canxi. Dựa vào kết quả siêu âm về sự tăng trưởng của thai nhi để đưa ra khuyến nghị dinh dưỡng phù hợp cho mẹ.

  • Khám thai trong 3 tháng cuối

Mục đích: Tiên lượng cuộc đẻ, theo dõi sự phát triển và phát hiện các bất thường muộn của thai nhi.

Các nội dung cần khám: Trong 3 tháng cuối có thể khám 2 tuần một lần và tháng thứ 9, mỗi tuần khám một lần. Đối với người mẹ: Khám để phát hiện các bệnh toàn thân, chú ý tới dấu hiệu nhiễm độc thai nghén thông qua việc đo huyết áp, thử protein trong nước tiểu, đo khung chậu thai phụ, chú ý xem đường kính có hẹp quá không? Khung chậu có méo không? Khám người mẹ có sẹo mổ cũ ở tử cung hay không? Đối với thai nhi: Đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, xác định ngôi thai, nghe tim thai, theo dõi cơn co tử cung, siêu âm thai.

Tư vấn dinh dưỡng: Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất, vì vậy dinh dưỡng của người mẹ cần đảm bảo đầy đủ, đa dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi, đặc biệt cần tăng năng lượng bữa ăn như cơm, chất béo.

1.2. Tiêm phòng uốn ván: Cần tiêm phòng uốn ván theo đúng lịch hẹn của bác sỹ.

2. Một số vấn đề khác cần lưu ý

2.1. Đồ ăn thức uống nên hạn chế


  • Không nên dùng các loại đồ uống kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá.
  • Giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi.
  • Giảm ăn mặn nhất là những người mẹ có dấu hiệu nhiễm độc thai nghén.

2.2. Không nên quá kiêng khem

Trong khi có thai, người mẹ cần ăn nhiều hơn bình thường. Một số mẹ dễ bị chán ăn, chỉ ăn một vài loại thức ăn và ăn quá nhiều thức ăn chua hoặc cay…, vừa có hại cho sức khỏe vừa thiếu chất dinh dưỡng để nuôi thai.

Trong trường hợp bị nghén nhẹ như buồn nôn, nôn hay sợ ăn một số thức ăn, người mẹ cố gắng thay thế sang một số thức ăn khác hoặc đồ uống khác để đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khi có thai, không nên kiêng khem (rau, củ, quả, thịt, trứng hay mỡ…) bất lợi cho sức khỏe của mẹ và giảm lượng sữa tiết.

2.3. Lao động và nghỉ ngơi khi mang thai

Vận động và lao động: Khi có thai nên hoạt động nhẹ nhàng và không nên làm việc nặng quá. Tập thể dục cần thiết cho thai phụ vì giúp cho tinh thần được sảng khoái, tuần hoàn lưu thông, thai phụ ăn được ngủ được, nhưng phải tập đúng mức, tập những động tác nhẹ nhàng, tập thở sâu, thở đều, co duỗi chân tay.

Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi là việc làm cần thiết cho thai phụ và thai nhi. Trong các tháng cuối, bụng to nhanh, nặng, thai phụ đi lại cũng khó khăn, đồng thời tháng cuối cũng là tháng thai nhi tăng cân nhanh, tốt nhất sản phụ nên nghỉ làm việc một tháng trước khi đẻ để có lợi cho cả mẹ và con. Yếu tố tinh thần rất quan trọng cho người mẹ và phát triển của thai. Gia đình hạnh phúc, người mẹ được chăm sóc chu đáo thai nhi sẽ phát triển tốt, cuộc đẻ sẽ có tiên lượng tốt và tạo sữa tốt sau đẻ.

2.4. Vệ sinh cá nhân khi mang thai

Mặc: Mặc quần áo phải rộng rãi, thoáng mát, mùa hè mặc quần áo mỏng, mùa đông mặc quần áo đủ ấm.

Tắm rửa: Nên dùng nước ấm, không tắm lâu, không tắm ở nơi bị gió lùa, không ngâm mình trong nước ao hồ dễ bị nhiễm khuẩn.

Chăm sóc vú: Hàng ngày nên lau rửa nhẹ nhàng khi tắm. Không cọ rửa núm vú gây kích thích co tử cung, nếu núm vú ngắn và tụt đầu vú chỉ kéo núm vú nhẹ nhàng.

2.5. Sinh hoạt vợ chồng

Nên hạn chế sinh hoạt vợ chồng trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Khi sinh hoạt vợ chồng nên dùng bao cao su để không cho tinh dịch vào cổ tử cung và âm đạo. Vì trong tinh dịch có nồng độ prostaglandin cao, chất này dễ gây cơn co tử cung và mở cổ tử cung dễ gây đẻ non.

Không nên đụng chạm và kích thích vú và đầu núm vú của thai phụ vì sẽ gây ra cơn co tử cung nhiều, dễ gây ra sảy thai hoặc đẻ non.

TS.BS. Đoàn Huy Cường